Không động đất, vì sao có sóng thần?

Đó là câu hỏi chắc chắn đang được quan tâm hàng đầu bởi thường thì sau khi xảy ra động đất mới dẫn đến sóng thần.

Núi lửa Anak Krakatau đã phun khói bụi và nham thạch từ nhiều tháng qua Ảnh: Bernama.com

Núi lửa Anak Krakatau đã phun khói bụi và nham thạch từ nhiều tháng qua Ảnh: Bernama.com

Tuy nhiên, trước khi thảm họa sóng thần xảy ra đêm 22/12, đã không có cảnh báo nào được đưa ra, theo lời ông Sutopo Purwo Nugroho, Trưởng bộ phận quan hệ công chúng của Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia.

CNN trích dẫn ý kiến từ cơ quan chức năng Indonesia cho biết trận sóng thần có vẻ là kết quả một vụ trượt đất ngoài biển mà nguyên nhân là núi lửa phun trào.

“Cơ quan địa chất địa phương đã phát hiện lúc 21h03 núi lửa Anak Krakatau bắt đầu phun trào”, Trung tâm Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia nói và cho biết thêm, cơn sóng thần ập vào bờ 24 phút sau đó. “Có thể các loại đất đá xung quanh núi lửa Anak Krakatau đổ xuống biển và gây ra sóng thần, tác động vào các bãi biển xung quanh eo biển Sunda”, nằm giữa các đảo Java và Sumatra.

Mặc dù Indonesia là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận sóng thần xảy ra năm 2004 với hàng trăm ngàn người chết, nước này vẫn thiếu các thiết bị cảnh báo sóng thần cần thiết.

“Chúng tôi cần hệ thống cảnh báo sớm đa năng”, ông Nugroho nói. “Và chúng tôi cần nhiều hệ thống như thế”. Ông cũng chỉ ra rằng, sóng thần nhanh hơn và khó dự báo hơn rất nhiều so với sóng thủy triều (do các điều kiện khí quyển tạo ra). “Chúng tôi từng hiểu rằng, một trận sóng thần xuất hiện sau động đất. Nhưng đêm qua (22/12) không có động đất. Đó là lý do vì sao không có cảnh báo”, ông nói, ý muốn đề cập khả năng trượt đất dưới lòng biển.

Đây cũng không phải là thảm họa đầu tiên được cho là liên quan đến núi lửa Anak Krakatau (còn gọi là Krakatoa). Năm 1883, một đợt phun trào từ núi lửa này đã giết chết hơn 36.000 người.

Theo Reuters, cư dân ven biển trong vùng thảm họa nói vào thời điểm xảy ra sóng thần, họ không cảm nhận được điều gì khác lạ ví dụ như nước biển bất chợt rút ra xa, hay có động đất, trước khi bất chợt có những con sóng 2-3m ập vào.

Thời điểm xuất hiện sóng thần lần này, đúng dịp lễ Giáng sinh, gợi nhớ lại trận sóng thần trên Ấn Độ Dương vào ngày 26/12/2004 mà nguyên nhân là động đất, giết chết 226.000 người tại 13 quốc gia, trong đó có hơn 120.000 người Indonesia.

Ở thời điểm hiện tại, giới chức vẫn cảnh báo dân địa phương và du khách tránh xa các bãi biển xung quanh eo biển Sunda và cảnh báo thủy triều cao sẽ được duy trì cho đến ngày 25/12. “Những ai đã di tản, làm ơn chưa quay về vội”, Rahmat Triyono, một quan chức của Trung tâm Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia nói. Anak Krakatau, một trong 127 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia, trong nhiều tháng qua đã phun khói bụi và nham thạch.

Theo ông Nugroho, ngoài việc núi lửa phun dẫn đến “lở đất trong lòng biển”, sóng thần còn được gia tăng sức mạnh do xảy ra đúng dịp trăng tròn, thủy triều lớn.

Ben van der Pluijm, một chuyên gia địa chất động đất, giáo sư đại học Michigan, nói sóng thần có thể được tạo ra bởi hiện tượng “sụp đổ một phần” tại núi Anak Krakatau.

“Sự không ổn định của sườn dốc tại một núi lửa đang hoạt động có thể dẫn đến hiện tượng trượt đất, đá xuống biển, tạo ra một cơn sóng lớn và có thể rất lớn. Việc đó giống như ta bất thình lình thả rơi một túi cát xuống chậu đầy nước”, ông nói.

Trung tâm thông tin sóng thần quốc tế cũng có nhận định tương thích với nhận định này. Theo họ, dù hiếm khi xảy ra, núi lửa phun trào dưới biển có thể gây ra sóng thần do nước bị dịch chuyển đột ngột.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/khong-dong-dat-vi-sao-co-song-than-1359785.tpo