Không đổ lỗi cho mặt trái kinh tế thị trường

Sau khi dự một số hội nghị tổng kết, sơ kết của các ngành, đoàn thể, đội ngũ cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy cùng nhau thảo luận về kết quả các chuyến công tác. Đồng chí cán bộ trẻ nhất phòng nói:

- Tôi thấy một điểm khá giống nhau là báo cáo nào cũng nêu “do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường”. Nhiều chỉ tiêu phát triển không đạt, hoặc hạn chế, khuyết điểm của đơn vị bị đổ lỗi do tác động nêu trên. Người soạn thảo báo cáo dường như đã quá quen với mệnh đề này, thường lấy nó để biện minh cho những sai lầm, khuyết điểm do chủ quan.

Đồng chí Trưởng phòng Tổng hợp gật gù và phân tích thêm:

- Ai cũng thấy nền kinh tế thị trường là mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Nhờ có kinh tế thị trường mà đất nước ta phát triển như ngày nay. Từ việc xây dựng thể chế pháp luật cho đến các quan hệ xã hội đều có sự thay đổi theo cơ chế thị trường. Việt Nam đang tích cực vận động để được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường. Gần đây, Trung ương ban hành Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, tôi thấy không nên đưa vào các báo cáo chính trị câu “do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường” nữa, vì không còn phù hợp trong bối cảnh đã hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới.

- Đúng vậy. Nếu có thì hãy nêu những điểm chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ của nền kinh tế, những yếu kém từ nhận thức tới hành động của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu về kinh tế thị trường - một đồng chí tán thành.

Đồng chí Trưởng phòng khẳng định:

- Theo tôi, các báo cáo chính trị cần đánh giá sâu những kết quả đạt được do thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời chỉ ra những hạn chế trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về kinh tế thị trường; nêu rõ những tàn dư của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, cơ chế xin - cho. Thể hiện nhận thức nhất quán với đường lối của Đảng, nên chăng các báo cáo sử dụng những cụm từ như “nhờ có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, hoặc “nhờ đổi mới tư duy kinh tế”, “nhờ phát huy mặt tích cực của kinh tế thị trường”. Bởi thời gian tới, việc hoàn thiện và vận hành kinh tế thị trường như thế nào để phát triển nhanh, bền vững là một mục tiêu lớn của đất nước ta.

Mọi người đều đồng tình với ý kiến của đồng chí Trưởng phòng.

HÀ HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/40750002-khong-do-loi-cho-mat-trai-kinh-te-thi-truong.html