Không đem ý kiến chủ quan để áp đặt lên dư luận xã hội

Xác định tầm quan trọng của công tác định hướng dư luận xã hội trong cuộc cách mạng 4.0, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, cán bộ Mặt trận cần phải thường xuyên nâng cao nhận thức, trình độ, trao đổi thông tin và quan trọng nhất là không được đem ý kiến chủ quan của mình để áp đặt lên dư luận xã hội.

Ông Vũ Hồng Khanh.

Theo ông Khanh, dư luận xã hội chính là tập hợp các luồng ý kiến trước các sự kiện, hiện tượng, là phản ánh thực tiễn tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, thái độ của một bộ phận đông đảo nhân dân về một vấn đề, sự kiện, sự việc.

Nếu dư luận là số đông rất dễ tạo ra sức mạnh, tác động đến tư tưởng, tình cảm, biểu thị, hành động của nhân dân. Và vì vậy, nếu Mặt trận không hiểu dân thì không thể làm tốt vai trò đại diện. Do vậy, việc tổng hợp, nắm bắt dư luận nhân dân để hiểu dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội có ý nghĩa rất lớn.

Trong những năm qua, công tác điều tra, nắm bắt nghiên cứu, tập hợp dư luận xã hội đã từng bước đi vào nề nếp, giúp các cấp ủy đảng có thêm thông tin, đánh giá đúng hơn, sát hơn tư tưởng của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, giải quyết vấn đề cụ thể mà dư luận xã hội quan tâm.

Ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, dư luận xã hội là yếu tố quan trọng giúp cho hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp. Thông qua việc nắm bắt dư luận xã hội sẽ giúp cho MTTQ có thêm cơ sở để hoạt động giám sát và phản biện dân chủ hơn, phản ánh đầy đủ hơn ý kiến, nguyện vọng của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, không ít nơi việc nắm bắt dư luận xã hội của Mặt trận nặng về “nghe” mà coi nhẹ việc tiếp thu, điều chỉnh; cấp thành phố cũng như cơ sở còn hạn chế trong việc cung cấp thông tin phản hồi, định hướng trở lại…

Nguyên nhân của những hạn chế trên bắt nguồn từ việc nhận thức của một số cán bộ Mặt trận về vị trí, vai trò của công tác dư luận xã hội chưa tốt; đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên ở một số đơn vị hầu như không có chuyên môn sâu, theo chế độ kiêm nhiệm; cộng tác viên ở một số nơi chưa bám sát địa bàn, còn nặng về cơ cấu hành chính theo địa giới...

Xác định tầm quan trọng của công tác định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, theo ông Vũ Hồng Khanh, việc nắm bắt dư luận xã hội của MTTQ phải tập trung nắm cho được tâm trạng của người dân về thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Qua đó, kiểm chứng xem các chính sách đi vào cuộc sống như thế nào để đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn.

Ông Vũ Hồng Khanh gợi ý, phương thức nắm bắt và định hướng dư luận xã hội cần được thực hiện qua các hoạt động cụ thể. Ở Việt Nam, Mặt trận có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn và có các Ban CTMT ở KDC với lực lượng đông đảo. Đây là lực lượng trực tiếp tiếp xúc, làm việc với nhân dân.

“Cán bộ Mặt trận đã hòa mình với quần chúng thì chỉ cần 10% cán bộ Mặt trận ở cơ sở cung cấp mỗi ngày một thông tin, chúng ta sẽ có một lực lượng lớn tin tức”, ông Khanh nhấn mạnh.

Thế nhưng, cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, hiện nay chúng ta chưa chủ động, thông tin chưa kịp thời, có những thông tin nghe sau, nghe lại. Điều đó đặt ra vấn đề, cán bộ Mặt trận phải sâu sát hơn nữa với cơ sở, tăng cường việc trò chuyện, trao đổi với nhân dân, qua đó lắng nghe, nắm bắt kịp thời những tâm tư, tình cảm, những ý kiến, kiến nghị của cơ sở để tư vấn, giải quyết hoặc chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết.

“Điều quan trọng là cán bộ Mặt trận phải tạo được uy tín trong nhân dân, để nhân dân tin tưởng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mạnh dạn đề xuất kiến nghị”, ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội còn thông qua các tổ chức thành viên; thông qua đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội từ thành phố đến cơ sở, thành viên Hội đồng tư vấn tổng hợp và phân tích dư luận xã hội, các chuyên gia có kiến thức và thông qua các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận….

Tuy nhiên dù có thông qua kênh nào thì điều quan trọng khi nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội phải đảm bảo khách quan, trung thực, kịp thời và đầy đủ các luồng ý kiến, từ đó đưa ra dự báo, đề xuất giải pháp, chỉ đạo định hướng dư luận xã hội.
Để hoạt động công tác dư luận xã hội đạt hiệu quả cao cần đa dạng hóa các hình thức, phương thức nắm bắt, có sự kết hợp các phương pháp linh hoạt, kịp thời.

“Mặt trận phải nắm được 5 nội dung gồm tâm trạng, thái độ, nhận thức, tổ chức thực hiện của người dân ở cơ sở về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của Thành phố. Cùng với đó, Mặt trận phải nắm được các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn như kinh tế - chính trị, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; an ninh – quốc phòng… qua đó góp phần định hướng dư luận nhân dân”, ông Vũ Hồng Khanh khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội, đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận, điều đặc biệt quan trọng nhất là không được đem ý kiến chủ quan của mình để áp đặt lên dư luận xã hội.

Tuệ Phương (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/khong-dem-y-kien-chu-quan-de-ap-dat-len-du-luan-xa-hoi-tintuc411673