Không để ý tưởng chỉ nằm trên giấy

Cuộc thi 'Nhà biên kịch tài năng' mùa thứ 3 đã trao 'cơ hội vàng' cho những nhà biên kịch trẻ để họ có thể đưa tác phẩm đến gần hơn nhà sản xuất chuyên nghiệp.

Vượt qua gần 4.500 ý tưởng dự thi, kịch bản “Phi vụ xác chết” của tác giả Nguyễn Tấn Nhật xuất sắc giành giải Vàng “Nhà biên kịch tài năng” 2019. Giải Bạc thuộc về tác giả Nguyễn Đình Minh Vũ với kịch bản “Tang gia kỳ lạ”; giải Đồng là tác giả Đỗ Vĩ Tiến với kịch bản “Dạ quỷ”; giải Triển vọng trao cho tác giả Lâm Trung Hiếu với kịch bản “Bố vợ đại chiến rể quý” và tác giả Tạ Thanh Hoa Phượng với kịch bản “Siêu cớm làm mẹ”.

Ngoài tiền thưởng 60 triệu đồng cho giải Vàng, Nguyễn Tấn Nhật còn có quyền lợi 1 năm học miễn phí tại Không gian điện ảnh Xine House, tham dự khóa đào tạo ngắn hạn tại Hàn Quốc, thẻ xem phim miễn phí 1 năm, tham gia hoạt động phát triển kiến thức và kỹ năng dành cho biên kịch trẻ của CGV sau cuộc thi… Giữ cảm xúc hân hoan, Nguyễn Tấn Nhật chia sẻ: “Em rất bất ngờ và hạnh phúc khi mình nhận được giải Vàng của cuộc thi. Đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình trở thành biên kịch chuyên nghiệp của em trong tương lai. Em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới CGV đã tổ chức một sân chơi rất ý nghĩa dành cho những người trẻ đam mê biên kịch như em trau dồi kiến thức, rèn luyện thêm kĩ năng cũng như kết nối với các nhà làm phim chuyên nghiệp”.

Top 3 thí sinh nhận giải thưởng xuất sắc tại cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” 2019. (Ảnh BTC)

Top 3 thí sinh nhận giải thưởng xuất sắc tại cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” 2019. (Ảnh BTC)

Cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” 2019 có sự tham gia của các đạo diễn, nhà sản xuất uy tín như: đạo diễn Charlie Nguyễn, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn Lý Hải và biên kịch Trần Khánh Hoàng. Năm nay, cuộc thi có thông điệp “Đánh thức câu chuyện trong bạn”. Hầu hết các tác phẩm kịch bản được trao giải lần này được đánh giá là những tác phẩm xuất sắc thể hiện cá tính, ý tưởng sáng tạo của mỗi tác giả.

Được khởi xướng từ năm 2017, sau 3 mùa tranh tài sôi động số lượng bài thi tổng hợp gần 12.500 ý tưởng tham dự. Với mục tiêu tìm kiếm các tài năng biên kịch của Việt Nam, từ đó góp phần cho ra đời những bộ phim Việt có chất lượng tốt. Ở mùa giải trước đó, thí sinh Châu Ngọc giành giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2019 cho kịch bản “Siêu sao siêu ngố”. Bộ phim từng tạo tiếng vang khi vượt mốc doanh thu trăm tỷ trong năm 2018. Thí sinh Đỗ Như Thư giành giải nhất Pitching phim thương mại với dự án phim “Trai đẹp cho thuê” tại Gặp gỡ mùa thu 2018. Thí sinh Du Dương cũng đã cho ra mắt bộ phim điện ảnh đầu tay “Táo quậy” với vai trò là biên kịch chính vào mùa Tết 2018. Kịch bản phim truyền hình của bộ ba thí sinh Thúc An - Nhiên Phượng - Phi Yến đã giành giải cao nhất trong cuộc thi “Tìm kiếm kịch bản phim truyền hình” và đang trong giai đoạn sản xuất thành phim.

Với những con số biết nói đó, cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” đã trở thành một bệ phóng quan trọng để các tài năng trẻ khẳng định mình trên con đường trở thành nhà biên kịch chuyên nghiệp. Đó còn là những tín hiệu đáng khích lệ để phát triển và làm giàu nguồn nhân lực cho nền điện ảnh Việt Nam ở giai đoạn phát triển rực rỡ như hiện nay. Trong điện ảnh, một kịch bản tốt sẽ tạo tiền đề cho một bộ phim hay. Những năm gần đây, số lượng tác phẩm điện ảnh ra rạp lớn, nhưng chất lượng lại chưa nổi bật. Hầu hết, các bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đều đến từ những bộ phim có kịch bản phim hay, tình huống phim lô gic, chặt chẽ. Trong đó, phải kể đến “Hai Phượng”. Bộ phim của nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân. Trước khi bộ phim ra rạp, “Hai Phượng” đã mất 2 năm để hoàn thành kịch bản để có một sản phẩm chất lượng nhất.

Sau thành công từ cuộc thi năm 2018, ba thí sinh xuất sắc nhất giành được giải Vàng, Bạc, Đồng của cuộc thi lần lượt là Phạm Duy Thuận (Jun Phạm 365) - kịch bản “Gia vị nhân gian”, Vũ Nguyễn Nam Khuê - kịch bản Học viện chồng ngoan và Dương Quỳnh Anh - kịch bản 15 phút hào quang đã được hỗ trợ phát triển kịch bản và trao đổi với các nhà sản xuất trong chuyến đào tạo ngắn hạn tại Hàn Quốc. Tại chuyến đi thực tế, 3 nhà biên kịch trẻ đều nhận được vốn kiến thức và kinh nghiệm, trải nghiệm về công nghệ làm phim… Đối với ca sĩ Jun Phạm 365, sau buổi giao lưu với GS Cho Geun Sik thuộc Học viện Điện ảnh & nghệ thuật Hàn Quốc (Korea Academy of Film Arts – KAFA) tại Hàn Quốc đã truyền cho anh kỹ năng phát triển và hoàn thiện kịch bản. Jun Phạm 365 chia sẻ về hiệu quả của chuyến đi thực tế: Kịch bản “Gia vị giai nhân” là đứa con tinh thần và cũng là đầu tay nên Jun Phạm chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng tình huống câu chuyện. Nhờ những tư vấn từ GS, anh đã xác định rõ hơn điều mình muốn kể qua câu chuyện, tiết chế nội dung phù hợp. Những phân vân về tình huống câu chuyện, lựa chọn tuyến nhân vật chính, phụ đã được hóa giải từ buổi giao lưu đặc biệt này.

Từ thành công của cuộc thi, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông đánh giá: “Trong điện ảnh kịch bản hay chính là yếu tố then chốt để cho ra đời những bộ phim chất lượng. Do đó lĩnh vực này luôn được đầu tư và dành sự ưu tiên đặc biệt ở hầu hết các quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Tại Việt Nam với nền điện ảnh phát triển đầy tiềm năng như hiện nay thì nhu cầu tìm kiếm những kịch bản hay để sản xuất phim là rất lớn. Vì vậy Bộ VH-TT&DL hoan nghênh và khuyến khích những cuộc thi giàu ý nghĩa như “Nhà biên kịch tài năng”. Điểm đặc biệt của cuộc thi mà Bộ VH-TT&DL đánh giá cao đó là không chỉ ươm mầm và đào tạo nên những biên kịch tương lai mà cuộc thi còn là cầu nối quan trọng đưa kịch bản của các thí sinh đến tận tay nhà sản xuất”.

Nhìn thẳng vào thực tế, nguồn lực về đội ngũ biên kịch điện ảnh Việt còn thiếu và yếu. Vì vậy, rất cần những sân chơi là các cuộc thi về biên kịch để tạo nên mảnh đất màu mỡ gieo hạt mầm về ước mơ chinh phục điện ảnh, truyền lửa đam mê cho những người yêu thích môn nghệ thuật thứ 7 vững tiến trên con đường phía trước.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-de-y-tuong-chi-nam-tren-giay-163476.html