Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Ngày 23-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên toàn quốc.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trung tâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, đại diện các sở, ngành tham dự.

Hoàn thành 108/139 nhiệm vụ được giao

Theo Bộ Tư pháp, năm 2020, công tác chỉ đạo, điều hành của bộ và toàn ngành Tư pháp nói chung tiếp tục đổi mới, theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Trong đó, công tác xây dựng luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản, tính cả nhiệm kỳ là hơn 40.000 văn bản. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế tác động tiêu cực đối với xã hội.

Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận 626 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương; 40 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các phản ánh, kiến nghị đều được nghiên cứu trả lời, tiếp thu trong quá trình xây dựng thể chế.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp điều hành quyết liệt việc phòng, chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xử lý thủ tục hành chính. Năm 2020, đã có gần 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân trên môi trường điện tử, tăng 1,4 lần so với năm 2019 và chiếm khoảng 40% tổng số từ năm 2016 đến nay.

Cũng trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 108/139 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đang tiếp tục thực hiện 31 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sau khi nghe báo cáo về kết quả công tác tư pháp năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, nhiệm kỳ 2021-2025, hội nghị đã nghe báo cáo chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; vai trò của cơ quan tư pháp địa phương trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

Điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Tư pháp đạt được trong năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong đó, năng lực xây dựng và thực thi pháp luật chưa cao; việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; còn tình trạng vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; số việc thi hành án năm trước chuyển sang năm sau còn nhiều.

Hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại) còn có sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp trong xã hội.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, ngành Tư pháp tập trung xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện sớm các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp phải làm tốt vai trò “gác cổng” về thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, kiểm soát chặt việc quy định thủ tục hành chính ngay từ khâu soạn thảo, góp phần bảo đảm tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp của thủ tục hành chính tốt và các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

“Cái gì Nhà nước không làm, không cần thiết làm, không phải nhất thiết làm thì nên hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, xã hội làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho rằng, “chồng chéo là vấn đề lớn hiện nay, do đó, pháp điển hóa pháp luật là vấn đề cần tiếp tục đặt ra cho ngành Tư pháp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật. Cùng với đó là tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, cần sớm thực hiện đề án số hóa hoạt động của ngành Tư pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, chú ý đến các yếu tố pháp lý trong quá trình quyết định chỉ đạo, điều hành…

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/986836/khong-de-xay-ra-tham-nhung-chinh-sach-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-phap-luat