'Không để xảy ra lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật'

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tư pháp cùng ngành tư pháp không được phép để xảy ra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong hoàn thiện và xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Bộ Tư pháp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Bộ Tư pháp.

Sáng 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu với sự hiện diện và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, Bộ và ngành tư pháp hiện nay có khoảng 45.000 cán bộ, công chức, viên chức và nếu tất cả đều có trình độ giỏi về pháp luật, có trách nhiệm cao với công việc sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước.

Lý do, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật và thực thi thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần phát huy dân chủ vừa đảm bảo kỷ cương, phép nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại yêu cầu từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu trên, không được phép để xảy ra tham nhũng và lợi ích nhóm trong hoàn thiện và xây dựng pháp luật. Ngành tư pháp phải quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng chủ trương này.

Cũng tại Hội nghị, báo cáo của Bộ Tư pháp thể hiện năm 2020, Bộ và ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ.

Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định.

Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành đã thẩm định trên 42.000 văn bản. Hoạt động kiểm tra của ngành tư pháp cũng đạt hiệu quả, đã đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.

Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự (THADS) chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Trong số trên có hơn 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Kết quả thi hành án hành chính cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đã thi hành xong 363 việc, tăng 68 việc so với năm 2019.

X.A

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/khong-de-xay-ra-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-phap-luat-1768390.tpo