Không để 'vỡ trận' nước sạch

Ngày 24-11, tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm cụ thể về những sai phạm trong quản lý, điều hành tại Cty Cấp nước Đà Nẵng để xảy ra sự cố thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Ngày 24-11, tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm cụ thể về những sai phạm trong quản lý, điều hành tại Cty Cấp nước Đà Nẵng để xảy ra sự cố thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Từ kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định sự cố thiếu nước là do lỗi chủ quan đồng thời yêu cầu kiểm điểm, xử lý các cá nhân, tập thể liên quan.

Từ kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định sự cố thiếu nước là do lỗi chủ quan đồng thời yêu cầu kiểm điểm, xử lý các cá nhân, tập thể liên quan.

Để thiếu nước là do lỗi chủ quan

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trường Ảnh - Chủ tịch HĐQT Cty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thừa nhận đơn vị đã chủ quan, không lường trước tình trạng nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ ngay trong mùa mưa nên đã lúng túng, bị động trong công tác điều hành, vận hành nhà máy nước. Cạnh đó, Dawaco cũng thiếu sót trong công tác bảo dưỡng, kiểm tra nên chưa kịp thời ứng phó với sự cố bơm nước tại trạm An Trạch, không có máy bơm dự phòng dẫn đến việc thiếu nước kéo dài gần một tuần lễ đầu tháng 11. Ngay trong khi sự cố thiếu nước nghiêm trọng xảy ra, Cty cũng chưa thông báo kịp thời, rộng rãi đến khách hàng dẫn đến việc người dân thiếu thông tin và gây dư luận không tốt. Ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng trong báo cáo của mình cũng đã thừa nhận đơn vị thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc và có những phương án hiệu quả đối với hiện tượng thiếu nước, nhiễm mặn vào mùa khô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ diễn tra trong nhiều năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là lúng túng trong vai trò quản lý nhà nước. "Theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân kiểm điểm trách nhiệm", ông Hùng cho biết.

Kiểm tra thực tế và phân tích nhiều yếu tố, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đánh giá, để xảy ra sự cố như vừa qua là do lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, quản lý, điều hành và vận hành, và đây là điều không thể chấp nhận được. "Tình trạng thiếu nước vừa qua rõ ràng do công tác điều hành của chúng ta, hoàn toàn là lỗi chủ quan. Chúng ta có hẳn phương án dự phòng hàng năm 12 tỷ để cấp nước thô về cho Cầu Đỏ nhưng khi có sự cố, trạm An Trạch cứ trục trà trục trặc. Phải xem lại quy trình bảo dưỡng, kiểm tra, vận hành. Có khi mỗi năm chỉ mấy ngày này thôi, nhưng để xảy ra sự cố như vậy là không thể chấp nhận được. Việc này rất đáng kiểm điểm, xem xét lại trách nhiệm của công ty", ông Nghĩa nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy cũng cho biết, liên quan đến sự cố thiếu nước, có tới 34 nghìn ý kiến thể hiện sự quan tâm, bức xúc của người dân, dư luận cho rằng một đô thị phát triển, có cuộc sống tốt như Đà Nẵng thì không thể chấp nhận việc này. "Để dân thiếu nước sinh hoạt là chúng ta có tội. Thậm chí trong chừng mực nào đó là có thể ra tòa chứ không phải là chuyện đơn giản. An ninh nguồn nước là rất quan trọng chứ không đơn giản là doanh nghiệp khai thác theo diện thương mại làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít đâu", ông Nghĩa phân tích, đồng thời yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Dawaco phải tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc đối với các bộ phận, cá nhân liên quan trong vụ việc vừa qua. Kể cả việc làm rõ có hay không việc Tổng giám đốc Cty này đứng tên cho có rồi ủy thác trách nhiệm cho người khác. Người đại diện pháp nhân phải điều hành trực tiếp và chịu trách nhiệm đối với công tác quản lý, vận hành của đơn vị. Trong thời gian tới, cần xem xét đến việc thay đổi cơ chế quản lý đối với Dawaco theo hướng tập trung về một đầu mối cũng như bộ máy điều hành để hoạt động hiệu quả, minh bạch như đã từng làm với Cty Môi trường Đô thị thời gian qua.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu nâng công suất hoặc xây nhà máy nước tại An Trạch song song với đầu tư nhà máy nước Hòa Liên.

Sớm chốt phương án đầu tư nhà máy nước

Tại buổi làm việc, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, sự cố thiếu nước sạch trong nhiều ngày liền như thời gian qua ở thành phố là chưa có tiền lệ. Điều này cho thấy tình trạng thiếu nước ở Đà Nẵng đã ở mức đáng báo động. Dự báo đến năm 2019, thành phố cần 351.000m3 nước/ngày, nếu đầu tư dự án nâng công suất tại trạm bơm An Trạch thì có thể đáp ứng được. Nhưng đến năm 2020, để duy trì sinh hoạt, sản xuất của người dân và phục vụ du lịch, mỗi ngày đêm thành phố cần 462.000m3, và từ 2020 con số này sẽ lên tới 536.000m3. Nếu nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày đêm không kịp xây dựng để khai thác thì sẽ thiếu nước trầm trọng. Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, hiện các đơn vị liên quan đang đánh giá so sánh lợi thế 4 phương án đầu tư để tìm ra hình thức tốt nhất cả về kinh phí, thời gian cũng như giá nước khi đi vào vận hành. Cả hình thức dùng Quỹ đầu tư phát triển, đầu tư công bằng ngân sách, giao cho Dawaco đầu tư hay là hình thức BOT đều có những cơ sở pháp lý để triển khai nhưng phải cân nhắc để trình thành phố quyết định phương án nào hợp lý nhất.

Liên quan đến việc cấp nước trong thời gian đến, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị Sở Xây dựng nhanh chóng rà soát lại quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng cũng như cải tạo, nâng cấp, sửa chữa An Trạch, còn Sở Tài nguyên và Môi trường phải có giá cụ thể tài nguyên nước lâu dài để có chiến lược khai thác, kể cả lưu vực sông Cu Đê vì không thể chỉ phụ thuộc vào nguồn nước từ hệ thống Vu Gia - Thu Bồn. Ông Nghĩa cho rằng các cơ quan đã phí mất một thời gian rất dài nhưng không xong thủ tục xây dựng nhà máy nước Hòa Liên là "điều kỳ cục và rất thiếu trách nhiệm". Với nhu cầu cấp bách, ông Nghĩa yêu cầu các ngành liên quan phải sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết, trình HĐND trong kỳ họp tháng 12 tới để thông qua chủ trương, phương án đầu tư, đáp ứng lộ trình hoàn thành trong năm 2020. Vì quá trình đô thị hóa, phát triển nóng đòi hỏi hạ tầng về giao thông, môi trường, điện nước phải phát triển tương xứng nhưng thực tế thì đã bộc lộ nhiều hạn chế. "Nước sinh hoạt là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân, không đáp ứng được nhu cầu này là chúng ta đang nợ dân. Từ nay đến năm 2020 chúng ta còn tính được, nhưng nếu không sớm đầu tư và vận hành được nhà máy nước Hòa Liên thì sẽ vỡ trận. Thước đo về đô thị đáng sống là những vấn đề như thế này chứ không phải câu cửa miệng hay là người nơi khác họ khen rồi chúng ta chủ quan", ông Nghĩa phân tích.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_198722_khong-de-vo-tran-nuoc-sach.aspx