Không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy

Sau gần 3 tháng (từ ngày 15-6-2019 đến 31-8-2019) triển khai Kế hoạch số 2419/KH-BTL về phối hợp thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, lực lượng BĐBP đã xác lập đấu tranh thành công 3 chuyên án; chủ trì, phối hợp bắt giữ 22 vụ/48 đối tượng, tang vật thu giữ gồm 47,6kg ma túy, 13 tấn tiền chất ma túy, cùng nhiều tang vật khác. Trong đó, khởi tố 14 vụ/24 đối tượng, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 8 vụ/24 đối tượng.

Hai đối tượng cùng tang vật 10kg ma túy tổng hợp dạng đá, 3.400USD trong Chuyên án 028A bị Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Tây Ninh đấu tranh thành công ngày 29-6-2019. Ảnh: Lê Đồng

Hai đối tượng cùng tang vật 10kg ma túy tổng hợp dạng đá, 3.400USD trong Chuyên án 028A bị Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Tây Ninh đấu tranh thành công ngày 29-6-2019. Ảnh: Lê Đồng

Tiềm ẩn phức tạp

Thời gian gần đây, trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy tiềm ẩn phức tạp và có xu hướng gia tăng. Các đối tượng lợi dụng việc đi lại, thông thương thuận lợi giữa hai nước cũng như những khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát để mua bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam với số lượng lớn. Cùng với đó, các đối tượng ở trong nước móc nối với các đối tượng người nước ngoài, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” đến Thái Lan qua Campuchia, sang Việt Nam rồi đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Ngoài ra, các đối tượng bị truy nã tìm cách sang Campuchia lẩn trốn và móc nối mua ma túy vận chuyển qua biên giới về Việt Nam tiêu thụ.

Đáng lưu ý, gần đây xuất hiện các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng đá qua tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia về Việt Nam, sau đó ép thành viên nén, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số tỉnh phía Bắc và vận chuyển đi nước thứ ba. Mặt khác, một số đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ngụy trang là khách du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh... nhưng thực chất là cấu kết với các đối tượng trong nước để thành lập các doanh nghiệp, công ty “ma” để mua bán, vận chuyển ma túy. Nhưng “nóng” nhất vẫn là tuyến biên giới các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang của Việt Nam và các tỉnh Svây Riêng, Prây Veng, Tà Keo, Cần Đan của Campuchia.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, gần đây, lượng ma túy tổng hợp dạng đá, dạng viên nén từ Campuchia vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam gia tăng, với sự tham gia của nhiều đối tượng mang nhiều quốc tịch khác nhau. Chúng tập kết ma túy sát biên giới Việt Nam, sau đó, phân chia từng công đoạn, vận chuyển, cất giấu ma túy tại nhiều địa điểm, trà trộn trong hàng hóa, trên xe tải, xe khách, hoặc núp bóng doanh nghiệp được phép xuất nhập khẩu hàng hóa. Gần đây, chúng thu gom tiền chất (kể cả nhập từ nước ngoài về) để tổ chức sản xuất ma túy, sau đó đóng gói, trà trộn vào hàng hóa trong các container để vận chuyển đi tiêu thụ”.

Ngày càng tinh vi, khó lường

Những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia vừa bị BĐBP và các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ cho thấy tính chất và mức độ hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, khó lường. Điển hình, vào hồi 16 giờ, ngày 17-7-2019, trong quá trình soi hàng hóa luồng nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Mộc Bài phối hợp với Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh phát hiện trong túi hành lý của đối tượng Hàng Quốc Khánh, trú tại xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cất giấu 8kg ma túy tổng hợp. Lực lượng phối hợp đã lập biên bản, bắt giữ Hàng Quốc Khánh, đồng thời, di lý đối tượng cùng tang vật về Văn phòng Công ty Danh Danh, số 275C, đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, khi được Khánh điện thoại thông báo là “hàng” đã về, đối tượng Nguyễn Hằng Ni, cư ngụ tại phường 17, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh đến nhận thì bị bắt quả tang.

Gần đây nhất là Chuyên án 626T, ngày 6-8-2019, tại Công ty Đồng An Viên ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các cục nghiệp vụ, Bộ Công an và Công an các tỉnh Kon Tum, Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bắt quả tang 7 đối tượng đều là người Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.

Tang vật thu giữ gồm: 140 lít dung dịch, qua giám định có thành phần Methamphetamine (ma túy đá); trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phi, thùng nhựa, lọ thủy tinh, bao giấy... phục vụ sản xuất ma túy; khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ, gồm: Hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy ly tâm, máy sấy khô... được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất ma túy.

Ngay sau đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai 10 tổ công tác với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ cùng xuất kích tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tiến hành khám xét và triệu tập các đối tượng để lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ. Tại các địa điểm khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 59 thùng hóa chất các loại, 80 bao bột sử dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đây là đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hiện, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng, gồm 7 người Trung Quốc, 1 đối tượng người Việt gốc Hoa. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu được xác định là Cai Zi Li (tên gọi khác là Thái Tự Lực, sinh năm 1963, quốc tịch Trung Quốc).

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh: “Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, thời gian tới, BĐBP sẽ tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là việc triển khai thực hiện có chiều sâu các nội dung phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia. Tập trung xác minh, điều tra các tụ điểm tập kết ma túy, điều chế, sản xuất ma túy ở các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới để xác lập chuyên án, xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, triệt xóa, không để tội phạm lợi dụng Việt Nam làm địa bàn trung chuyển ma túy đi các nước”.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khong-de-viet-nam-tro-thanh-dia-ban-trung-chuyen-ma-tuy/