Không để tụt hậu

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh lục địa già đang nỗ lực để không tụt hậu trước các đối thủ Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Trí tuệ nhân tạo trở thành một lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội. Với những lợi ích lớn lao như thế, không lạ gì khi các cường quốc đều tích cực tham gia cuộc đua nghiên cứu và ứng dụng AI. Châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng này. Lục địa già mong muốn có thể đóng vai trò trung tâm trong việc vạch ra các quy định cũng như thúc đẩy những nỗ lực để đi đầu trong lĩnh vực AI. Song có một thực tế đáng buồn là châu Âu đã bỏ lỡ cuộc cách mạng internet đầu tiên và để các hãng công nghệ lớn từ Mỹ, như: Google, Facebook và Apple hoặc từ Trung Quốc như Tencent, vươn lên áp đảo thế giới trực tuyến với những sản phẩm nổi bật, như truyền thông xã hội, dịch vụ mua sắm trực tuyến và điện thoại di động.

 Bà Ursula von der Leyen thông tin về chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo của EU. Ảnh: Reuters.

Bà Ursula von der Leyen thông tin về chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo của EU. Ảnh: Reuters.

Sự tụt hậu của châu Âu so với các đối thủ được thấy rõ qua một số thống kê, ví như năm 2018, vào lúc Mỹ đầu tư 31 tỷ euro cho lĩnh vực công nghệ mới, 28 nước thành viên của EU khi đó mới huy động được 6 tỷ euro. Trong 50 tập đoàn đang thống lĩnh thế giới về công nghệ cao, kỹ thuật số, có 5 gã khổng lồ lớn nhất là của Mỹ: Microsoft, Apple, Facebook, Google và Amazon; tiếp theo, từ hạng 6 đến hạng 10 là các doanh nghiệp châu Á (trong số này có hai doanh nghiệp của Trung Quốc là Tencent và Alibaba). Về thị phần, các hãng Mỹ chiếm 70%, châu Á là 27%, châu Âu bị bỏ xa với 3%...

Để tránh đi vào vết xe đổ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, EU mới đây đã vạch ra một chiến lược phát triển AI với tham vọng đi tiên phong trên một thị trường còn đang sơ khai và thiếu quy chuẩn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: EU sẽ tạo ra một "thị trường chung về dữ liệu" và mong muốn kích hoạt khoản đầu tư trị giá 4-6 tỷ euro cho không gian dữ liệu và các cơ sở hạ tầng đám mây cho toàn khối. Cần biết rằng một hệ thống AI sẽ cần dữ liệu kỹ thuật số để hoạt động tương tự như việc bộ não con người cần thông tin để suy nghĩ. Bởi vậy, một nguồn dữ liệu dồi dào sẽ giúp các công ty châu Âu có lợi thế cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo và không cần phải phụ thuộc vào những gã khổng lồ dữ liệu, như Facebook và Google. Bằng cách tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ từ khối liên minh, EU hy vọng sẽ thúc đẩy một làn sóng phát triển công nghệ mới trong các ngành công nghiệp, như: Vận tải và chăm sóc sức khỏe, đồng thời tạo ra sân chơi công bằng cho các công ty nhỏ hơn hiện không thể cạnh tranh với các ông lớn công nghệ của Mỹ và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, EC cũng dự định tạo ra các thị trường dữ liệu nhỏ hơn cho các ngành công nghiệp trọng điểm, đồng thời xem xét buộc các công ty công nghệ lớn phải chia sẻ dữ liệu. Để làm được điều này, EC đặt mục tiêu các khoản đầu tư tư nhân và đầu tư công trong lĩnh vực AI phải đạt được ít nhất 20 tỷ euro mỗi năm trong thập kỷ tới. “Châu Âu hoàn toàn có tiềm năng để dẫn đầu về AI. Chúng tôi có những doanh nghiệp mạnh về công nghệ và sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến đang được áp dụng trong ngành công nghiệp. Việc kết hợp và tận dụng những lợi thế sẵn có giúp mang lại nhiều lợi ích”, Phó chủ tịch EC phụ trách chính sách công nghệ số Margrethe Vestager cho biết.

Dù AI đem lại nhiều lợi ích, nhưng nguy cơ mà nó đem lại đối với an ninh, an toàn của chính xã hội loài người cũng không nhỏ nếu bị sử dụng sai mục đích. Để tránh những rủi ro từ AI, giới chức EU cũng sẽ định ra một khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này dành cho các nước thành viên. Bà Margrethe Vestager cho rằng, việc phát huy tính tích cực hay tiêu cực với AI phụ thuộc vào cách thức và mục đích công nghệ này được ứng dụng. EC đang thúc đẩy một cách tiếp cận có trách nhiệm và lấy con người làm trung tâm trong lĩnh vực AI. Do đó, trước tiên, EC sẽ tìm cách xây dựng một hệ thống pháp lý thành công như bộ quy tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân trực tuyến GDPR mà khối này mới đưa vào áp dụng và nay đã trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực này. Bà cũng khẳng định hoạt động quản lý AI sẽ linh hoạt hơn trước đây. Những lĩnh vực ứng dụng nhiều nguy cơ như y tế, an ninh hoặc giao thông có yêu cầu khắt khe hơn về tính minh bạch và con người giám sát. Những lĩnh vực ứng dụng ít nguy cơ hơn hầu như sẽ được tự quyết định để không làm hạn chế khả năng phát triển, đổi mới của các công ty công nghệ.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/khong-de-tut-hau-611233