Không dễ từ bỏ cơ chế bao cấp

Bộ Tài chính có kế hoạch dự thảo một nghị định về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Đây là bước chuẩn bị hành lang pháp lý nhằm đẩy nhanh chủ trương chuyển các đơn vị lâu nay vẫn sống dựa vào 'bầu sữa' ngân sách nhà nước sang hoạt động như một doanh nghiệp. Đây cũng là chìa khóa để giải bài toán bội chi ngân sách. Vì số lượng lên đến gần 58.000 đơn vị sự nghiệp với hơn 2,4 triệu người ăn lương đã trở thành gánh nặng quá sức chịu đựng của 'bà mẹ' ngân sách.

Việc thiếu hiệu quả của rất nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đã và đang gây ra lãng phí rất lớn. Ảnh minh họa: Thành Hoa.

Tuy nhiên, trở ngại đối với việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần không phải do thiếu hành lang pháp lý, mà ở tâm lý bao cấp của Nhà nước cũng như thói quen được bao cấp đã tồn tại quá lâu trong xã hội.

Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quyết định này đã tạo khung pháp lý, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng đến nay mới có 20 đơn vị được cổ phần hóa!

Việc duy trì cơ chế bao cấp, nhất là với các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, đoàn thể xã hội tuy nhằm mục tiêu hỗ trợ những dịch vụ cơ bản, thiết yếu cũng như cung cấp món ăn tinh thần cho những người nghèo, nhóm người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội, nhưng trong thực tế chưa hẳn người nghèo hưởng được phúc lợi từ sự bao cấp này.

Trước hết, cơ chế bao cấp như hiện nay đang góp phần tạo ra bất công trong xã hội. Không khó để nhận ra những người nghèo nhất, những vùng khó khăn nhất lại ít có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ công ích của Nhà nước nhất. Điều này có thể thấy rõ ngay tại hai dịch vụ cơ bản là y tế và giáo dục.

Kế đến, việc thiếu hiệu quả của rất nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đã và đang gây ra lãng phí rất lớn. Không thiếu những công trình như nhà hát, nhà thi đấu, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa... tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng ngân sách để xây dựng rồi bỏ xó.

Ngoài ra, việc Nhà nước duy trì chế độ bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập quá lâu còn làm hạn chế động lực phát triển của chính các đơn vị này cũng như cản trở khả năng huy động các nguồn lực xã hội, cung cấp sản phẩm dịch vụ có chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội.

Chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là hướng đi đúng nhưng vẫn còn khá dè dặt. Ngoài chuyện loại trừ các bệnh viện, trường học là quyết định có thể hiểu được để khỏi gây tâm lý phản đối chủ trương cổ phần hóa nói chung, sự dè dặt đó thể hiện ở chủ trương không biến cổ phần hóa thành tư nhân hóa, xã hội hóa thành thương mại hóa dịch vụ công.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280614/khong-de-tu-bo-co-che-bao-cap-.html