Không để tội phạm lợi dụng bệnh tâm thần lộng hành!

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc gây bức xúc dư luận, liên quan đến những trường hợp đang trong thời gian điều trị tâm thần đã gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến chết người. Liệu có hay không việc lợi dụng bệnh án tâm thần để thoát tội và người bị tâm thần phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Đối tượng phạm tội có tiền sử bệnh tâm thần

Ngày 4/4/2021, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo chị V.T.H (sinh năm 1978, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, khi đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy hướng về đường Xuân Thủy thì bất ngờ bị một nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu. Hậu quả của việc tấn công khiến chị V.T.H tử vong tại chỗ. Ngay sau đó, lực lượng công an đã bắt giữ được hung thủ trong khi đang lẩn trốn tại khu Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Kết quả điều tra bước đầu xác định, Lê Như Toàn là đối tượng không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần, giữa nghi phạm và nạn nhân không quen biết nhau và không có mâu thuẫn.

Đối tượng Nguyễn Xuân Quý và Lê Nhu Toàn (Ảnh: CQCA)

Đối tượng Nguyễn Xuân Quý và Lê Nhu Toàn (Ảnh: CQCA)

Trước đó, vụ việc người bệnh tâm thần sử dụng phòng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 làm nơi “bay lắc” và giao dịch mua, bán ma túy đã gây rúng động dư luận. Đối tượng Nguyễn Xuân Quý (sinh năm 1983, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang được điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, bị cơ quan chức năng bắt giữ về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy. Theo cơ quan công an, đối tượng này từng có 4 tiền án, tiền sự và được đưa vào điều trị tại bệnh viện từ tháng 11/2018, vì được chứng nhận có tiền sử bệnh tâm thần. Trong thời gian chữa bệnh, nhiều lần Quý tự ý rời khỏi bệnh viện, đầu năm 2021, đối tượng bị công an bắt giữ về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, do có bệnh án tâm thần nên được trả về bệnh viện.

Do thời gian ở bệnh viện lâu, đối tượng đã có quan hệ thân thiết với một số y bác sĩ, nhân viên phục vụ trong viện và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt. Mặc dù bị tâm thần nhưng Quý có phương thức, thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Đối tượng ở cùng với Nguyễn Văn Ngọ, danh nghĩa là người nhà chăm sóc bệnh nhân, để thực hiện các giao dịch mua bán ma túy. Thậm chí, những đối tượng này còn cải tạo buồng điều trị thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laser để sử dụng, cất giấu trái phép ma túy.

Qua sự việc này cho thấy, việc kiểm soát lỏng lẻo tại bệnh viện, nhất là với bệnh viện tâm thần sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, các cơ quan liên quan cần phải siết chặt và chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh tại bệnh viện.

Cần siết chặt quy định

Có thể thấy, bệnh án tâm thần đã trở thành“tấm bình phong” cho nhiều đối tượng phạm tội trốn tránh trách nhiệm hình sự. Có kẻ tội phạm khi bị bắt trưng giấy chứng nhận bị tâm thần để trốn tội. Tội phạm giả điên không còn là chuyện hy hữu và làm giả bệnh án tâm thần không đơn thuần là sai phạm nghề nghiệp, vi phạm đạo đức, mà chính là hành vi tiếp tay, bao che cho tội phạm. Đáng chú ý, vụ án đường dây làm giả bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 năm 2018, Công an thành phố Hà Nội từng phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả, trong số đó có tới 41 bộ hồ sơ bệnh án tâm thần của đối tượng hình sự cộm cán. Trong vụ án này, đã có hai cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị khởi tố và bắt giam.Bộ Công an cũng đã chỉ đạo cần xử lý nghiêm những người làm trong cơ quan y tế tiếp tay cho việc làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự và nhằm trục lợi từ chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/11/2011 quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là, khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Sau khi đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định, đối tượng sẽ được trở về gia đình (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự), họ sẽ tạo nên sự bất an đối với cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát.

Theo phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội), thời gian qua, các loại tội phạm trong đó có tội phạm ma túy thường “dựng” hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đáng chú ý, tội phạm do sử dụng các loại ma túy tổng hợp có thể xuất hiện ảo giác, loạn thần, có biểu hiện giống tâm thần. Trong khi đó, việc giám định hiện nay, nếu kết luận đối tượng bị tâm thần thì cơ quan công an không xử lý được mà phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Đồng thời, lại không có quy định cụ thể về thời gian chữa bệnh bắt buộc, khi khỏi bệnh mới chấm dứt được. Nếu như có sự tiếp tay của các bác sĩ thì bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị rất dài, ngoài điều trị nội trú thì bệnh nhân cũng có thể điều trị ngoại trú, càng khó kiểm soát. Cơ quan công an sẽ phối hợp cơ quan y tế rà soát lại các quy định, quy trình giám định chuyên môn để không tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, không phải cứ là bệnh nhân tâm thần thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra cần phải làm rõ các đối tượng có lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đối phó hay không? Không thể có một bệnh nhân tâm thần mà tổ chức mua bán, sử dụng ma túy tinh vi như vụ việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Cơ quan chức năng cần xác định khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng ở trong trạng thái ra sao? Về nguyên tắc, khi xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, thì đây là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.Việc có chịu trách nhiệm hình sự hay không đối với Quý và các đồng phạm phụ thuộc rất nhiều vào kết luận giám định này.

Trở lại vụ án xảy ra tại quận Cầu Giấy, kẻ gây án có tiền sử bệnh tâm thần đã gây ra cái chết thương tâm với chị V.T.H, công nhân môi trường, luật sư Long cho rằng pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nhiều người bệnh không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Thậm chí, có những vụ việc dẫn tới chết người nhưng vẫn không bị xử lý hình sự. Do đó, việc giám định pháp y tâm thần vô cùng quan trọng, phải được thực hiện cẩn trọng, nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm./.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-de-toi-pham-loi-dung-benh-tam-than-long-hanh-121668.html