Không để tình trạng gửi mẫu phân tích, phân loại tràn lan như hiện nay

Phóng viên Báo Hải quan có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Quang (ảnh), Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan về những biện pháp nâng cao công tác kiểm định, phân tích, phân loại của cơ quan Hải quan.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả công tác phân tích, phân loại, kiểm định hải quan trong thời gian qua?

Ông đánh giá như thế nào về kết quả công tác phân tích, phân loại, kiểm định hải quan trong thời gian qua?

Hàng năm Cục Kiểm định hải quan tiếp nhận bình quân hơn 15.000 mẫu yêu cầu phân tích. Theo đó, 45% kết quả làm thay đổi mã số khai báo, trong đó có 15% tăng thuế, 9% giảm thuế và 21% không thay đổi thuế suất. Hiện nay hệ thống phần mềm Customslab đã tạo cơ sở dữ liệu về phân loại đầy đủ và tương đối đồ sộ, lên đến gần 122.000 dòng hàng, làm căn cứ cho CBCC hải quan cửa khẩu tra cứu khi thực hiện áp mã hàng hóa XNK trong khâu thông quan và kiểm tra sau thông quan; song song với hệ thống phần mềm MHS đã tạo cơ sở dữ liệu gần 58.000 dòng hàng.

Những con số này cho thấy tính khách quan của kết quả thông báo phân tích, phân loại. Với tỷ lệ thông báo kết quả phân tích phân loại không thay đổi mã số là 55% so với khai báo, cho thấy mức độ tuân thủ pháp luật và hiểu biết về phân loại hàng hóa của DN ngày càng tăng, mức độ rủi ro về mã số khai báo thấp, cùng với tỷ lệ 21% thay đổi mã số nhưng không thay đổi thuế suất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian thông quan hàng hóa một khi phải trông chờ vào kết quả phân loại áp mã số.

Từ khi có Thông tư 14/2015/TT-BTC, Cục Kiểm định hải quan đã tiếp nhận gần 70.000 mẫu, tuy nhiên việc ban hành thông báo có liên quan đến phân loại hàng hóa gồm: Thông báo kết quả phân loại hàng hóa (do Tổng cục Hải quan ban hành); thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa; thông báo phân tích kèm mã số đề xuất (do các đơn vị Kiểm định hải quan ban hành) cũng có trở ngại cho việc theo dõi kết quả phân tích phân loại để thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, có 95% thông báo phân tích kèm mã số hàng hóa và thông báo kết quả phân tích kèm mã số đề xuất được chuyển sang Cục Thuế XNK tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục ban hành thông báo phân loại chiếm khoảng 5% (trong đó: mã số phân loại khác với mã số đề xuất chỉ khoảng 2%). Như vậy, mã số đề xuất của Cục Kiểm định hải quan là hầu như chính xác. Cục Kiểm định hải quan không những thực hiện tốt công tác phân tích mà còn thực hiện tốt công tác phân loại.

Qua các kết quả đó, theo ông, những tồn tại, khó khăn trong công tác này là gì?

Thời gian qua, số lượng mẫu gửi về Cục Kiểm định hải quan hàng năm không có xu hướng giảm, mặc dù đã có nhiều biện pháp. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu để tham khảo về phân loại rất lớn. Điều này dẫn đến Cục Kiểm định hải quan không giải phóng được nguồn lực để chuẩn bị và tham gia công tác kiểm định, kiểm tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, quy trình ban hành, xác định mã số qua nhiều khâu, nhiều bước, liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều cấp. Việc gửi mẫu yêu cầu phân tích, phân loại từ các đơn vị hải quan địa phương còn tràn lan, chưa tập trung vào những mặt hàng thực sự có gian lận và khó khăn về phân loại hàng hóa, gây tốn kém, lãng phí nguồn lực kiểm định hải quan (về nguyên tắc phân loại, căn cứ thành phần, bản chất, thuộc tính của hàng hóa, căn cứ Danh mục hàng hóa XNK, áp dụng các quy tắc phân loại để xác định mã số).

Một số CBCC hải quan còn lúng túng trong việc hiểu và áp dụng thông báo phân loại đã có của Tổng cục Hải quan đối với mặt hàng tương tự. Hay có những công văn yêu cầu lấy mẫu gửi về Cục Kiểm định hải quan để phân tích nhưng không quy định về thời hạn kết thúc, không áp dụng rủi ro trong việc lấy mẫu theo quy định, làm cho mẫu yêu cầu phân tích gửi về Cục Kiểm định hải quan tăng lên, nhưng thường lặp đi lặp lại và không phát hiện được sự sai khác của sản phẩm....

Hoạt động phân tích phân loại mẫu hàng hóa tại Trung tâm phân tích phân loại thuộc Cục Kiểm định hải quan. Ảnh: H.Nụ.

Vậy theo ông, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới?

Để công tác phân tích phân loại đạt hiệu quả, theo tôi các đơn vị chủ trì cần có ý kiến về sửa đổi bổ sung Biểu thuế và Danh mục hàng hóa XNK theo hướng tiếp tục giảm các mức thuế suất thuế XNK theo lộ trình, như vậy sẽ giảm thiểu phát sinh yêu cầu phân tích, phân loại; đồng thời, cần mở rộng với các trường hợp đã có cơ sở dữ liệu phân loại và đủ thông tin để phân loại thì sẽ không tiến hành lấy mẫu phân tích phân loại và cho áp dụng các thông tin trên cơ sở dữ liệu để áp mã và nâng cao năng lực CBCC hải quan tại cửa khẩu, việc này sẽ nâng trách nhiệm và trình độ CBCC thực thi. Cần thiết điều chỉnh thời gian ban hành thông báo kết quả phân tích, phân loại phù hợp với thực tế, thời hạn được tính theo mẫu hàng hóa không quy định theo hồ sơ; quy định áp dụng lấy mẫu phân tích phân loại theo nguyên tắc rủi ro với các mặt hàng có độ rủi ro cao và áp dụng hệ thống phần mềm để thực hiện chỉ định lấy mẫu tự động không có sự can thiệp từ con người (trừ các trường hợp đặc biệt).

Đặc biệt, các đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục, Cục Kiểm định hải quan tập trung nguồn lực tích cực giải quyết mẫu phân tích, phân loại đang còn tồn quá hạn, cần có giải pháp thiết thực không để áp lực mẫu làm ảnh hưởng đến thời gian thông báo kết quả... Các đơn vị hải quan địa phương cũng cần đôn đốc, kiểm tra, giám sát công chức thực hiện nghiêm túc các quy trình phân loại theo Quyết định 1921/QĐ-TCHQ, đảm bảo không gửi mẫu phân tích, phân loại tràn lan, không đúng quy định.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Dương Hoài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai:

Thực tế tại Hải quan Đồng Nai phát sinh nhiều trường hợp chi cục kiểm định trả lại mẫu với lý do đã có kết quả phân tích, phân loại trong cơ sở dữ liệu MHS hoặc tại cục hải quan tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, khi đơn vị tham khảo các thông báo phân tích phân loại trong cơ sở dữ liệu MHS hoặc tại các đơn vị hải quan khác thì các thông báo này có tên hàng khai báo tương tự nhưng của nhà NK khác, không xác định được có cùng thành phần, tính chất lý hóa, tính năng, công dụng hay không, khác xuất xứ, nhà sản xuất… điều này trái với quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Mặt khác, việc lấy mẫu phân tích phân loại các mặt hàng thuộc đối tượng Danh mục quản lý rủi ro về phân loại hàng hóa, danh mục quản lý rủi ro về áp dụng mức thuế cũng gặp khó khăn do hệ thống thông quan tự động. Do đó, đề xuất Tổng cục Hải quan xây dựng công cụ để can thiệp phân luồng, dừng thông quan từ cấp Tổng cục.

Ông Trần Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh:

Hiện tại vẫn còn nhiều mặt hàng vừa phải lấy mẫu đi phân tích phân loại, vừa phải lấy mẫu để cơ quan chuyên ngành kiểm tra, chứng nhận và công bố hợp quy. Việc quy định như trên phát sinh thêm nhiều chi phí cho DN và tăng thời gian thông quan hàng hóa đối với trường hợp lô hàng có mặt hàng chịu nhiều sự quản lý. Do đó, đề nghị đối với các thông báo kết quả phân tích kèm mã số đề xuất do các chi cục kiểm định hải quan gửi về, Tổng cục Hải quan sớm ban hành thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa XNK.

Ông Vũ Thanh Nam, Trưởng phòng Thuế XNK, Cục Hải quan Hải Phòng:

Vướng mắc lớn nhất hiện nay mà Hải quan Hải Phòng gặp phải liên quan đến thời gian ban hành thông báo kết quả phân tích phân loại, dẫn đến làm chậm thời gian thông quan hàng hóa, phản ứng từ phía DN và thời gian luân chuyển hồ sơ phân tích phân loại. Do đó, đề nghị cần quy định cụ thể thời gian phải gửi hồ sơ phân tích về Cục Kiểm định hải quan sau khi ban hành thông báo kết quả phân tích; thời hạn Cục Kiểm định phải gửi hồ sơ phân tích về Cục Thuế XNK và thời hạn Cục Thuế XNK phải trình lãnh đạo Tổng cục ký ban hành thông báo kết quả phân loại. Trường hợp không gửi đúng thời hạn thì phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị thụ lý hồ sơ được biết.

Tuấn Kiệt (ghi)

Hồng Nụ (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/khong-de-tinh-trang-gui-mau-phan-tich-phan-loai-tran-lan-nhu-hien-nay-103349.html