Không để thông tin gây nhiễu cản trở lợi ích người lao động

Suốt hơn 5 năm qua, câu chuyện 'giải cứu' Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng)-nơi được ví von như một 'Vinashin của ngành thép', là một nhiệm vụ tưởng như bất khả thi bởi quá nhiều hệ lụy, vướng mắc. Thế nhưng, sau hàng loạt nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh Thái Nguyên, giải pháp khả thi được mở ra khi có nhà đầu tư mới trúng đấu giá thì lại xuất hiện nhiều thông tin 'gây nhiễu'…

Cuộc "giải cứu" gian nan, tưởng như bế tắc

Tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ xây dựng, hơn 40 năm qua, Công ty Gia Sàng từng là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam.

Năm 2007, công ty thực hiện thí điểm cổ phần hóa với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, song sau đó ngày càng làm ăn bết bát. Đến hết năm 2012, công ty lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng, phải ngừng sản xuất vào đầu năm năm 2013. Từ chỗ có hơn 1.000 lao động, số lao động giảm dần khi nhà máy đắp chiếu, bỏ hoang, nay chỉ còn gần 200 người bám trụ làm việc.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do yếu kém trong quản lý dẫn đến tiếp tay cho kẻ gian lấy cắp hạ tầng nhà máy. Ngày 29-7-2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Xuân Hộ (còn gọi là Động), Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Gia Sàng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 281, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Thái Nguyên, ngày 11-4-2013, Lê Xuân Hộ lợi dụng văn bản đề nghị của Tổng giám đốc Công ty, trực tiếp chỉ đạo cho xe tải vào phân xưởng cán thép để lấy thép phế, phôi thép hồi lò, giàn con lăn và chỉ đạo một số nhân viên dưới quyền cẩu thép phế, phôi thép hồi lò, giàn con lăn lên xe đi tiêu thụ, gây thiệt hại hơn 160 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều tài sản của công ty cũng bị ban lãnh đạo tự ý bán và để nhiều vụ mất trộm nghiêm trọng khiến tài sản hàng chục tỷ đồng “không cánh mà bay”. Tòa án đã tuyên Lê Xuân Hộ lĩnh án 5 năm tù, 4 bị cáo khác mỗi bị cáo lĩnh án 2 năm tù.

Các đối tượng bị đi tù nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Cuối năm 2013, tổng nợ của Công ty Gia Sàng lên tới 121,3 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán. Công ty Gia Sàng bị ngân hàng kiện ra tòa vì không trả số tiền vay gốc hơn 33 tỷ đồng và tiền lãi. Ngày 8-1-2014, TAND TP Thái Nguyên tuyên Công ty Gia Sàng phải thanh toán khoản vay hơn 38,8 tỷ đồng và lãi suất cho ngân hàng. Ngày 5-5-2014, Chi cục thi hành án dân sự Thái Nguyên ra quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của Công ty Gia Sàng.

Trong khi đó, hàng trăm lao động đang làm việc và đã nghỉ việc liên tiếp gửi đơn thư kêu cứu, nhưng ngay cả người nghỉ việc rồi cũng chưa đòi được chế độ suốt nhiều năm.

Với tinh thần trách nhiệm cao vì người lao động (NLĐ), nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực, đề xuất các giải pháp, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, cứu nhà máy, bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Năm 2015, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có hai văn bản chỉ đạo giải quyết sự việc.

Hướng khắc phục khả thi nhờ nỗ lực của Trung ương và địa phương

Năm 2016, Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) tham gia đấu giá tài sản Nhà máy Gia Sàng và đã trúng đấu giá, nộp cho cơ quan thi hành án số tiền hơn 57 tỷ đồng. Thế nhưng số tiền này chưa đủ trả các khoản nợ vay ngân hàng, chưa nói đến hơn 17 tỷ đồng nợ lương và bảo hiểm của NLĐ suốt nhiều năm.

Vì thế, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì tổ chức nhiều buổi làm việc liên ngành với tập thể NLĐ và đại diện ngân hàng, cơ quan thi hành án… Ngân hàng đã cam kết chỉ thu hồi 38 tỷ đồng, còn lại hơn 17 tỷ đồng trả lại cho công ty để giải quyết ngay quyền lợi của NLĐ. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn bế tắc vì những giải pháp trên chưa được thực thi. Đáng chú ý, một phần bế tắc khiến NLĐ lao đao lại do chính những cổ đông chi phối tại Công ty Gia Sàng. Theo ông Bùi Long Xuyên, Tổng giám đốc Công ty Gia Sàng: Ông đã đề nghị Công ty Thái Hưng cho vay 8 tỷ đồng để thanh toán một phần nợ gốc bảo hiểm, nợ lương và các khoản trợ cấp cho NLĐ. Thế nhưng, chính thành viên HĐQT đại diện cho số người nắm giữ cổ phần chi phối (trong đó có cổ phần của ông Lê Xuân Hộ) lại không đồng ý.

Năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo: “Nhà nước không bỏ tiền để cứu các dự án kém hiệu quả”. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội như từ nhà đầu tư Thái Hưng là giải pháp phù hợp. Theo yêu cầu của tòa án, sau khi trúng đấu giá, Công ty Thái Hưng cam kết đầu tư xây dựng, cải tạo và khôi phục sản xuất nhà máy, tạo công ăn việc làm cho NLĐ...

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, Công ty Thái Hưng đã thực hiện đúng cam kết. Tính đến ngày 28-12-2016, công ty đã giúp Nhà máy Gia Sàng hoàn thành tổng mức đầu tư là 151 tỷ đồng, hoạt động trở lại, cho ra những thanh thép đầu tiên sau 4 năm dừng hoạt động.

Song do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiết bị mất mát nhiều nên nhà máy phải dừng sản xuất sau thời gian ngắn. Từ tháng 7-2017, Ban lãnh đạo Công ty Gia Sàng nhiều lần họp tìm giải pháp sau đó đề xuất phương án cải tạo, nâng công suất lên 500.000 tấn/năm với công nghệ hiện đại đồng thời di dời nhà máy. Phương án trên đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt. Khu đất địa điểm Nhà máy Gia Sàng cũ được Công ty Thái Hưng xin chủ trương thực hiện dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 3669/QĐ-UBND, ngày 23-11-2017.

Không để thông tin “gây nhiễu” cản trở các dự án

Sau khi các dự án trên được triển khai, đã xuất hiện một số thông tin phản ánh Công ty Thái Hưng bội ước, không thực hiện đúng cam kết đấu giá, tháo dỡ Nhà máy thép Gia Sàng để “thâu tóm đất vàng”; “cánh chim đầu đàn của ngành thép đã biến mất” và “đề nghị phải phục hồi nhà máy trên khu đất cũ”…

Về lý do không nâng cấp nhà máy tại chỗ, lãnh đạo Công ty Gia Sàng cho biết thêm: Theo Quyết định số 2846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-12-2016, về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035, đã chỉ rõ đến năm 2035, “các khu vực sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy xí nghiệp nhỏ lẻ, rải rác trong khu vực đô thị sẽ được di dời, quỹ đất hiện có được chuyển đổi thành các chức năng dân dụng phục vụ đô thị”. Mặt khác, theo quy hoạch tại Quyết định 694/QĐ-BCT của Bộ Công Thương thì dây chuyền cán thép công suất tối thiểu phải 500 nghìn tấn/năm. Đến năm 2020, cơ bản loại bỏ các nhà máy công suất nhỏ.

Về dự án khu đô thị, Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện nay dự án mới dừng ở việc được phê duyệt xong quy hoạch 1/500 và đang triển khai các bước tiếp theo nên thông tin đã phân lô bán nền là bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật.

Trên thực tế NLĐ và nhân dân địa phương đều rất ủng hộ hai dự án nêu trên. Những thông tin nhân danh NLĐ kêu cứu, theo lãnh đạo Công ty Gia Sàng có thể do một thế lực “ngầm” đứng sau để cản trở tái cấu trúc nhà máy, xuyên tạc nỗ lực của chính quyền tỉnh Thái Nguyên.

MINH GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-de-thong-tin-gay-nhieu-can-tro-loi-ich-nguoi-lao-dong-539022