Không để thiếu nước sạch trong mùa hè trên địa bàn Thủ đô

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, năm 2020, nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến tháng 8 sẽ tăng cao hơn cùng kỳ khoảng 0,5-1 độ C. Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn Thủ đô tăng cao hơn. Theo đó, thành phố (TP) tập trung đôn đốc các đơn vị cấp nước thường xuyên rà soát để kịp thời lên phương án cấp bổ sung, không để xảy ra tình trạng mất nước sinh hoạt cục bộ.

Nâng công suất nguồn cung nước sạch

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, từ năm 2016 đến tháng 10-2019, TP đã có 5 dự án cấp nước nguồn hoàn thành, giúp nâng tổng công suất cấp nước trên địa bàn hiện đạt khoảng 1,52 triệu m3/ngày đêm (ngđ), tăng 623.000m3/ngđ so với năm 2016. Cụ thể, nguồn cấp từ các nhà máy nước do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội quản lý với công suất khoảng 672.000m3/ngđ; nguồn cấp từ Nhà máy Nước mặt sông Đà khoảng 250.000-280.000m3/ngđ; nguồn cấp từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông có công suất khoảng 70.000m3/ngđ; nguồn cấp từ Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây có công suất khoảng 27.000m3/ngđ; nguồn cấp từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống giai đoạn 1 có công suất khoảng 300.000m3/ngđ;... Ngoài ra, có một số nguồn từ các trạm cấp nước cục bộ cho địa phương.

 Vận hành khu vực xử lý nước tại Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Vận hành khu vực xử lý nước tại Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội đánh giá, với tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm hơn 6%, tương đương với khoảng hơn 60.000 hộ), trong những ngày nắng nóng mùa hè, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn Thủ đô có thể sẽ tăng 5-10%, khoảng từ 1,25 triệu đến 1,3 triệu m3/ngđ. Dựa trên tổng công suất các nguồn cấp hiện tại, TP có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân và dự trữ cho phát triển, mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, thay thế nguồn nước ngầm kém chất lượng. Đặc biệt, đối với khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hiện đạt khoảng 75%, tương đương với khoảng 3 triệu người. TP đang kêu gọi 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án nguồn và mạng cấp nước. Khi những dự án này đi vào hoạt động sẽ giúp nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên khoảng 96%. Đối với 4% người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận, TP cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường đưa vào sử dụng các trạm cấp nước cục bộ tại từng địa phương. TP cũng đang tăng cường vận động và có biện pháp đóng dần 300.000 giếng khoan trên địa bàn, để người dân chuyển sang sử dụng nguồn nước sạch.

Có phương án khắc phục sớm khi xảy ra sự cố về cấp nước

Là đơn vị cung cấp nước cho hơn 1 triệu người dân ở khu vực phía tây Thủ đô, ông Lưu Viết Thinh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết, để chuẩn bị cho hoạt động cấp nước mùa hè ổn định, công ty đã xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn, phòng ngừa rủi ro nguồn nước từ khâu thu, xử lý, dự trữ và phân phối tới khách hàng; trong đó, đặt mục tiêu cao nhất là cấp nước liên tục, bảo đảm lưu lượng, chất lượng đúng quy định. Từ năm 2019, công ty đã đưa vào vận hành Trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ với 6,4km tuyến ống dọc Đại lộ Thăng Long tới nút giao với đường vành đai 3 Phạm Hùng-Khuất Duy Tiến. Qua đó, giúp điều tiết áp lực trên đường ống dẫn nước. Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung củng cố đội phản ứng nhanh, sẵn sàng vật tư, vật liệu, nhân công, máy móc xử lý sự cố trong thời gian sớm nhất, không kéo dài quá 10 giờ. Trên toàn bộ tuyến ống đều được lắp đặt hệ thống quan trắc trực tuyến áp lực, kịp thời phát hiện sự cố bất thường để xử lý. Ngoài ra, công ty đã lắp đặt hệ thống giám sát chất lượng để thường xuyên đưa ra cảnh báo đối với nước thô đầu vào. Dữ liệu về chất lượng nước sẽ được gửi tới Sở Tài nguyên và Môi trường TP 5 phút/lần. Đây cũng là yêu cầu của TP đối với tất cả đơn vị cấp nước trên địa bàn.

Trong khi đó, cũng là một đơn vị cấp nước lớn của TP, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đã xây dựng phương án sửa chữa, khắc phục sự cố đường ống truyền tải nước, đặc biệt các đường ống qua sông để bảo đảm kế hoạch cấp nước an toàn. Nhà máy cũng được vận hành tự động hóa và có hệ thống máy phát điện. Trong trường hợp mất điện, sau khoảng 5-10 giây, hệ thống sẽ chuyển sang chế độ chạy máy phát điện để hoạt động cấp nước được liên tục. Nhà máy cũng bố trí hệ thống giám sát trực tuyến chất lượng nước để thường xuyên gửi dữ liệu kiểm tra chất lượng nước.

Nhằm thực hiện tốt công tác cấp nước trên địa bàn TP trong mùa hè, ông Hoàng Cao Thắng cho biết: "Sở đã đề nghị các công ty cấp nước sớm thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa trong tháng 4-2020; duy trì sản xuất, vận hành an toàn, tối đa công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp, như: Vận hành van điều tiết cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp di động; vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ;… Sở Xây dựng cũng yêu cầu, khi xảy ra sự cố về mạng, nguồn cấp nước gây ra mất nước cục bộ và thiếu nước, các công ty cần kịp thời thông báo cho nhân dân và khách hàng. Cùng với đó, nhanh chóng giải quyết sự cố, phối hợp giữa các nguồn cấp nước để bảo đảm người dân được sử dụng nước ổn định.

Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-de-thieu-nuoc-sach-trong-mua-he-tren-dia-ban-thu-do-623344