Không để thiếu điện

Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), tại khu vực miền trung đang trong giai đoạn lũ chính vụ nhưng nhiều hồ thủy điện đang xấp xỉ mực nước chết với lưu lượng nước về thấp nhất trong chuỗi thủy văn từ trước đến nay. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về của hai tháng cuối năm 2018 trên toàn hệ thống thấp hơn 1,5 tỷ kW giờ so kế hoạch năm 2018 (tần suất 65%).

Hơn nữa, khả năng cấp khí phục vụ phát điện từ hệ thống khí Nam Côn Sơn suy giảm chỉ đạt trung bình 16,5 triệu m3 khí/ngày do mỏ khí Phong Lan Dại vào chậm, sản lượng điện từ khí bị hụt 810 triệu kW giờ trong hai tháng cuối năm. Trong bối cảnh đó, nếu nguồn cung từ thủy điện sụt giảm thì EVN sẽ phải huy động tối đa công suất từ các nhà máy nhiệt điện (NMNÐ) than và khí, thậm chí là phát điện chạy bằng dầu để bù vào sản lượng bị hụt. Tuy nhiên, nếu nguồn cung than không ổn định thì sẽ rất khó thực hiện nhiệm vụ này.

Trước những lo ngại về việc thiếu than cho sản xuất điện, Bộ Công thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc bảo đảm đủ điện cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng năm 2019, ngay từ tháng 10-2018, Bộ đã làm việc với EVN về việc xây dựng kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019; chỉ đạo EVN tính toán bốn phương án cung cấp điện tương ứng với các kịch bản nhu cầu phụ tải bình thường, phụ tải cao. Theo đó, sản lượng điện sản xuất năm 2019 đạt khoảng 242 tỷ kW giờ điện ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kW giờ điện ở phương án cao với tốc độ tăng trưởng tương đương dự báo trong Tổng sơ đồ phát triển điện lực. Bộ cũng khẳng định: Các phương án cung cấp điện cũng đã tính toán đến khả năng cung cấp nước cho hạ du các hồ thủy điện trong mùa khô năm 2019, trước mắt là cấp nước cho đổ ải vụ đông xuân của đồng bằng Bắc Bộ.

Qua tính toán cả bốn phương án, Bộ Công thương khẳng định, năm 2019, hệ thống bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh, nhu cầu của người dân. Trong một số trường hợp, hệ thống điện sẽ phải huy động từ hơn 2 tỷ đến hơn 7 tỷ kW giờ điện từ các nguồn phát điện bằng dầu, giá thành đắt hơn, nhưng quan trọng nhất là không để xảy ra thiếu điện. Về việc bảo đảm cung ứng than cho các NMNÐ, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh than, báo cáo kịp thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất than, đáp ứng nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ, nhất là than cho sản xuất điện.

Theo Bộ Công thương, do năm 2018, lượng nước về các hồ thủy điện thiếu hụt gây ảnh hưởng thủy điện, trong khi giá than nhập khẩu từ đầu năm đến nay cao hơn so với giá than sản xuất trong nước, cho nên, các hộ sử dụng than đã tập trung mua than trong nước, vì thế việc thu xếp nguồn than cho sản xuất điện trong 11 tháng qua đã gặp một số khó khăn. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công thương khẩn trương phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy. Xây dựng kế hoạch tổng thể về nhu cầu sử dụng than các loại, gồm than sản xuất trong nước, than nhập khẩu, bảo đảm đáp ứng nhiên liệu cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt là đáp ứng đủ than cho các NMNÐ.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, EVN nghiên cứu các giải pháp sử dụng than trộn cho sản xuất điện, trên cơ sở tính toán phối trộn than trong nước và nhập khẩu bảo đảm chất lượng nhiên liệu, các yếu tố về môi trường để khắc phục việc thiếu than an-tra-xít của các NMNÐ; không để thiếu than cho sản xuất điện, kể cả ngắn hạn trong tháng cuối năm 2018. Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Ðông Bắc cùng EVN và các hộ tiêu thụ than khác khẩn trương thỏa thuận ký hợp đồng mua bán than năm 2019 và kế hoạch mua bán than dài hạn, trung hạn; thực hiện nghiêm theo hợp đồng để đáp ứng đủ than cho sản xuất điện.

Bên cạnh việc bảo đảm đủ điện cho năm 2019, về lâu dài, có thể thấy nhu cầu tăng trưởng phụ tải đang rất cao, do đó các năm tiếp theo từ 2020 trở đi, nguy cơ thiếu điện là hiện hữu nếu chúng ta không quyết liệt vào cuộc. Do đó, Bộ Công thương, EVN và các đơn vị, địa phương liên quan phải tích cực phối hợp, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc (nhất là thủ tục phê duyệt dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, giải ngân…) để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nguồn và lưới điện mới, các dự án năng lượng tái tạo, các công trình điện trọng điểm đang thi công; có cơ chế thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước đầu tư phát triển nguồn điện. Cùng với đó, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân tích cực tiết kiệm điện, nước nhằm giảm bớt chi phí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Rõ ràng, việc bảo đảm điện cho nền kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề cho phát triển sản xuất, bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2019 và những năm tiếp theo. Chính vì vậy, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, khi thảo luận về tình hình cung ứng điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công thương, EVN và các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân về việc bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển đất nước.

TÙNG LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38495802-khong-de-thieu-dien.html