Không để sách giả còn đất sống

Từ nhiều năm nay, sách lậu, sách giả vẫn ngang nhiên bày bán và in ấn với số lượng lớn. Điều đáng nói là trong số các sách bị các đối tượng vi phạm tổ chức in trái phép có đầy đủ các chủng loại như: Sách giáo khoa, giáo trình, từ điển, truyện, tiểu thuyết...

Trước vấn nạn sách giả, sách lậu ngang nhiên lộng hành, các nhà xuất bản, công ty sách thời gian qua đã bước vào “cuộc chiến” chống sách giả, thậm chí khởi kiện ra tòa.

Điển hình là vào ngày 4/9 vừa qua, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News đã nộp đơn khởi kiện Lazada lên Tòa án nhân dân Quận 1 - TP.HCM. Và ngày ngày 9/9, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News tổ chức họp báo công bố bằng chức tiếp tay tiêu thụ sách giả của Lazada. Sự việc đang được phía Tòa án thụ lý, phản xử và sẽ đi tới hồi kết.

Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cho biết có cơ sở chứng minh sách giả đã được Lazada bán cho công chúng.

Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cho biết có cơ sở chứng minh sách giả đã được Lazada bán cho công chúng.

Tuy nhiên, qua vụ việc này cũng như việc các cơ quan chức năng, phát hiện, trịch thu và xử lý một số vụ in sách lậu, tiêu thụ sách lậu có thể thấy, sách giả, sách lậu đã trở thành vấn nạn, song các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao; việc phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra có thời điểm chưa hiệu quả...

Cụ thể, đối với chế tài xử lý, hiện nay mức phạt đối với hành vi in lậu sách còn tương đối thấp; tiền phạt nếu bị phát hiện chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in lậu sách thu được. Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên có thể bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Do đó, nhiều cơ sở vi phạm nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.

Để ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn sách lậu, thiết nghĩ cần có sự chung tay của toàn xã hội với vai trò nòng cốt của các cơ quan chức năng. Theo đó, cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực in ấn, xuất bản theo hướng tăng nặng mức độ, hình thức xử lý các hành vi vi phạm.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh đẩy lùi tình trạng sách lậu. Các cơ quan chức năng tăng cường việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các cấp; đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương hoặc giữa đội liên ngành địa phương với các cơ quan, ban, ngành có liên quan,...

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-de-sach-gia-con-dat-song-113188.html