Không để quy hoạch 'treo' cản trở quá trình phát triển

Ngày 9.11, Quốc hội bước sang ngày thứ 2 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Chiều cùng ngày, trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) về các giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết các quy hoạch xây dựng nói chung, trong đó quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, các quy hoạch khu chức năng đặc thù đều có giai đoạn quy hoạch cụ thể, tức là giai đoạn khoảng 10 năm hoặc hơn 10 năm, tầm nhìn khoảng từ 15-20 năm hoặc xa hơn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 9.11. Ảnh: Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 9.11. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng để định hướng phân bổ không gian phát triển và đây cũng là một công cụ để quản lý quá trình phát triển, quản trị phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo" vẫn xảy ra ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều nơi người dân không thể đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế do vướng quy hoạch. Muốn xây dựng lại, sửa nhà cũng không làm được.

Nhưng quy hoạch thì không được thực hiện do Nhà nước không có nguồn lực để đầu tư, trong khi đó thì không huy động được các nhà đầu tư vào thực hiện các khu vực đã có quy hoạch vì những khu vực này quy hoạch chưa hấp dẫn. Như vậy dẫn đến quy hoạch treo, tức là đất không được khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng trước hết là do chất lượng một số quy hoạch còn thấp như Bộ Xây dựng đã nói, chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực, không cân đối được nguồn lực để thực hiện. Quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rất rộng nhưng không tính toán nguồn lực cho nên không có nguồn lực để đầu tư.

Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với công tác xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch.

Tức là quy hoạch 10 năm, thì 10 năm sau mới thực hiện, trong 10 năm đó trở lại phải cho người dân thực hiện đầu tư xây dựng những công trình để phát triển sản xuất, nhưng thực tế là không được phép do vướng quy hoạch.

Vấn đề nữa là do Nhà nước chưa chủ động được nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đồng thời thực hiện tái định cư để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân. Hiện nay trong pháp luật về đầu tư, xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công, chưa phân định rõ những dự án giải phóng mặt bằng như một dự án độc lập. Các cơ quan chức năng đã đề nghị tách phần giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để có thể tạo quỹ đất sạch để đấu giá đất và thứ hai là chủ động đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Công đoạn này thường mất rất nhiều thời gian. Như dự án sân bay Long Thành, phần GPMB đã được Quốc hội thông qua một tiểu dự án thì làm rất tốt, nhanh.

Về giải pháp khắc phục, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước hết phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch. Quy hoạch phải thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững, phải rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển, cân đối được nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn.

Thứ hai là sau khi có quy hoạch, các ngành, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư, vốn ngân sách, vốn xã hội và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện. Nghị định 11 của Chính phủ quy định rất rõ.

Thứ ba, phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với phát triển thị trường bất động sản, thị trường nhà, thị trường bất động sản công nghiệp, thị trường bất động sản du lịch…, đặc biệt là chương trình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập.

Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch, kịp thời phát hiện những bất cập, những vi phạm, xử lý nghiêm.

Thứ năm là tiếp tục hoàn thiện pháp luật đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công, trong đó cần phải coi dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là những dự án độc lập để các ngành, các địa phương chủ động quỹ đất sạch để đấu giá đất hoặc để huy động các dự án đầu tư phát triển, từ đó sẽ có đủ điều kiện để chuyển người dân trong vùng quy hoạch sang các khu đô thị mới với cuộc sống tốt hơn.

Nhóm PV

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khong-de-quy-hoach-treo-can-tro-qua-trinh-phat-trien-26213.html