Không để phát sinh nợ thuế do chủ doanh nghiệp bỏ về nước

Tổng cục Hải quan yêu cầu cần có biện pháp quản lý chặt chẽ không để phát sinh nợ thuế do chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc bỏ về nước (chủ doanh nghiệp là người nước ngoài)… không thu hồi được nợ thuế.

Tổng cục Hải quan vừa có Chỉ thị về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo đó, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; triển khai Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia và Cơ chế hải quan một cửa ASEAN…

 Tổng cục Hải quan không để phát sinh nợ thuế do doanh nghiệp bỏ về nước.

Tổng cục Hải quan không để phát sinh nợ thuế do doanh nghiệp bỏ về nước.

Tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa… kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá… (các mặt hàng tiêu dùng, hàng bách hóa, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, linh kiện xe đạp, xe máy,… nhập khẩu), hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất).

Đối với Cục Thuế xuất nhập khẩu, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị và đưa các giải pháp thu hồi nợ phù hợp với thực tế.

Đối với các khoản miễn, giảm thuế có điều kiện như: hàng nhập khẩu để sản xuất hàng gia công, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ không để phát sinh nợ thuế do chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc bỏ về nước (chủ doanh nghiệp là người nước ngoài)… không thu hồi được nợ thuế.

Tăng cường chỉ đạo kiểm tra trị giá thông qua công tác trực ban trực tuyến nhằm xử lý kịp thời các trường hợp có khả năng gian lận trị giá cao. Tiếp tục triển khai các chuyên đề về kiểm tra trị giá, tập trung vào những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao, các nhóm hàng, mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu có kim ngạch lớn, thuế suất cao, tần suất nhập khẩu nhiều.

Cục Điều tra chống buôn lâu tăng cường kiểm soát, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tất cả các tuyến, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ. Trong đó tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, hàng bách hóa, các mặt hàng nhạy cảm phòng chống dịch Covid-19, hàng cấm.

Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 là 315 nghìn tỷ đồng. Trong đó thuế xuất khẩu là 6.222 tỷ đồng; thuế nhập khẩu 55.023 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt là 21.925 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường là 1.830 tỷ đồng; thuế GTGT lằ 230 nghìn tỷ đồng.

Dự toán 2021 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6%; giá dầu thô 45$/thùng; các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) tiếp tục trong giai đoạn cắt giảm sâu, một số FTA mới được ký kết. Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng 5% so với dự toán (331 nghìn tỷ đồng).

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khong-de-phat-sinh-no-thue-do-chu-doanh-nghiep-bo-ve-nuoc-d18455.html