Không để niềm tin của dân đứng ngoài 'vách kính ngăn'

'Giấy tờ của em gái xong rồi!'; 'Chị công chứng giấy chứng minh nhân dân à?'; 'Cô ơi! Cô cần gì ạ?'… đó là những câu nói ân cần được những người làm công tác tiếp dân tại UBND phường 4, quận Tân Bình (TPHCM) sử dụng trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính...

Đặc biệt hơn, các chị còn làm công tác tiếp dân ngoài giờ hành chính nếu người dân gọi điện thông báo trước. Đạo đức công vụ được thể hiện ở từng cử chỉ việc làm nhỏ nhưng nhận lại sự tin tưởng lớn của người dân.

Chị Phan Thị Thanh Giang (bìa trái) luôn niềm nở và vui tươi khi làm công tác tiếp dân ở phường 4, quận Tân Bình, TPHCM

Chị Phan Thị Thanh Giang (bìa trái) luôn niềm nở và vui tươi khi làm công tác tiếp dân ở phường 4, quận Tân Bình, TPHCM

“Người gác cổng” thầm lặng

Chị Phan Thị Thanh Giang (sinh năm 1977), công chức văn phòng - thống kê tổng hợp (phường 4, quận Tân Bình), là một trong những đảng viên tiêu biểu của phường, với 23 năm tuổi Đảng.

Công việc của chị là tổng hợp giấy tờ, theo dõi hoạt động tiếp dân, tham mưu cho cấp trên các kế hoạch công việc cụ thể; tiếp dân; kết nối, đặt lịch cho lãnh đạo với người dân trong vấn đề giải quyết giấy tờ, đơn thư. Công việc tưởng chừng rất bình dị nhưng lại đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, dày dạn kinh nghiệm, thái độ mềm mỏng, trách nhiệm cao đối với công việc. Hằng ngày, chị Giang và đồng nghiệp phải tiếp hàng chục lượt công dân, xử lý đơn thư các loại. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, sự nhạy bén, thái độ hòa nhã thì rất khó để hoàn thành tốt công việc. Mọi người trong cơ quan vẫn gọi đùa chị Giang là “người gác cổng” làm việc lặng lẽ, còn chị coi đó là trách nhiệm và niềm vui.

Đặc biệt, từ tháng 1/2019, chị và một số đồng nghiệp tiếp nhận thêm công việc “đăng ký dịch vụ công ngoài giờ hành chính”. Tức là tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện dịch vụ công ngoài giờ hành chính thì đăng ký trước lịch làm việc theo hình thức liên lạc trực tiếp hoặc gọi vào số điện thoại đã công bố để UBND phường bố trí cán bộ, công chức liên quan ở lại tiếp nhận và xử lý.

“Có hôm đợi đôi vợ chống trẻ đến đăng ký kết hôn nhưng chỉ có người chồng đến trước, còn người vợ vì kẹt xe nên đến trễ, vậy là chúng tôi đợi đến 19 giờ mới hoàn thành công việc rồi ra về. Thấy vợ chồng trẻ đó cảm ơn rối rít là mình cũng vui lây. Mình cũng hiểu, người dân đi làm xa rồi kẹt xe hay có việc gấp, họ gọi điện thoại nói mình chờ chút xíu thì mình vẫn vui vẻ đồng ý”, chị Giang bộc bạch.

Chị Giang chia sẻ thêm, có những hôm người dân hẹn lúc 18 giờ mới đến phường sao y giấy tờ, 17 giờ chị đi đón con và chở con lên luôn phường làm việc cùng mẹ rồi mới về nhà. Những lúc làm ngoài giờ như thế, chị cũng không tính thêm tiền thù lao. Bởi lẽ “Bất khả kháng lắm người dân mới hẹn mình ngoài giờ. Số lượng đặt lịch như vậy không nhiều nên mình tạo điều kiện thêm cho người dân thôi, không cần trả thêm thù lao gì đâu”, chị Giang chia sẻ.

Đạo đức công vụ hình thành từ trong ý thức từng người

Không riêng chị Giang mà các đồng nghiệp cùng Phòng tiếp dân đều luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của người dân. Họ hiểu rằng, đạo đức công vụ không thể cân đo đong đếm trực tiếp mà được hình thành từ trong ý thức từng người. Chính những việc nhỏ sẽ hình thành tác phong, cốt cách của người cán bộ công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực sáng tạo vì người dân phục vụ.

Tấm pano thông báo hướng dẫn cách đặt lịch làm việc ngoài giờ khi cần dành cho người dân

Sau nửa năm thực hiện, mô hình “Đăng ký dịch vụ công ngoài giờ hành chính” được người dân địa phương rất ủng hộ. Cô Cao Thị Kim Bình, công dân phường 4, quận Tân Bình, nhận xét: “Tôi đến đây thường xuyên và đánh giá về mức độ hài lòng là 10/10. Các cán bộ lúc nào cũng hướng dẫn nhiệt tình, nhẹ nhàng và vui vẻ. Ngay cả ngoài giờ vẫn đón tiếp rất đàng hoàng. Cho nên người ta trả giá nhà cao bao nhiêu tôi cũng không bán, nhất định chỉ ở phường này thôi. Chính quyền địa phương rất quan trọng, vì họ có cách ứng xử tốt thì sẽ tạo được lòng tin yêu từ người dân. Đối với những phường thờ ơ, nếu giải quyết giấy tờ rất khó chịu, thường xuyên gây khó dễ thì sẽ xa dân ngay”.

Anh Đặng Quang Trung, công dân của phường, nhớ lại có lần phải hẹn với phường để làm giấy ủy quyền cho ông bà đưa cháu đi máy bay: “Cuối giờ chiều, gia đình tôi cuống cuồng cả lên. May mắn là phường 4 có làm ngoài giờ và gia đình tôi đã hẹn 18 giờ đi làm về mang giấy ra chứng nhận, vậy là chúng tôi giải quyết được việc một cách nhanh chóng. Cách làm việc của phường rất linh hoạt và thiết thực với người dân”, anh Trung kể.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, cho biết: “Việc bố trí linh hoạt thời gian giải quyết thủ tục hành chính giúp cho người dân chủ động hơn trong công việc; tiết kiệm được thời gian, công lao động; hạn chế tình trạng nhũng nhiễu dịch vụ “cò” hồ sơ, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng thực hiện cải cách hành chính dịch vụ công trên địa bàn quận nói chung và trên địa bàn phường 4 nói riêng. Các danh mục thực hiện bao gồm: Chứng thực, xác nhận chữ ký, tư vấn pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Đối với lĩnh vực chứng tử, tiếp tục duy trì làm việc 24/24. Dù nửa đêm mà có người mất cần chứng tử đi đường để đưa về quê thì bắt buộc phải làm ngay. Đặc biệt, lệ phí thực hiện các dịch vụ không thay đổi so với mức lệ phí thực hiện trong giờ hành chính”.

Ông Sơn nhấn mạnh thêm: Dù trong giờ hay ngoài giờ thì phường đều làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Vậy nên, phường 4 không đặt ra chỉ tiêu tháng này phải tiếp dân ngoài giờ nhiều hơn tháng trước, đây chỉ là một phương án lựa chọn thêm dành cho người dân khi có nhu cầu.

“Những cán bộ đảng viên tham gia công tác này cũng không tính thêm tiền làm ngoài giờ, dĩ nhiên họ cũng thiệt thòi hơn những người khác, vì có những lúc phải đợi người dân trong khi anh em đồng nghiệp lại được về đúng giờ. Nhưng tôi vẫn động viên mọi người rằng: Không phải riêng các bạn ngồi chờ đâu mà lãnh đạo cũng ngồi chờ cùng đó”, ông Sơn chia sẻ.

Bên cạnh mô hình người dân đặt lịch làm việc ngoài giờ thì UBND phường 4, quận Tân Bình, còn có nhiều việc làm ý nghĩa tạo được sự hài lòng cho nhân dân như tháo dỡ các vách kính tại nơi tiếp nhận hồ sơ; lắp đặt bàn tiếp dân một cách thuận tiện để người dân trao đổi và ghi hồ sơ dễ dàng; chuẩn bị các loại kính viễn thị từ 1,5 đến 3 độ để người dân có thể sử dụng khi lỡ quên mang theo kính.

Theo ông Sơn, phường bỏ vách kính nhằm tạo sự gần gũi. Người dân dễ dàng quan sát người cán bộ và trao đổi được sâu sát vấn đề. Ngược lại, người cán bộ có thể giải thích vấn đề cho dân hiểu một cách tường tận nhất. Chính quyền phường 4 không muốn niềm tin của dân mãi mãi đứng ngoài “vách kính ngăn”.

Mời bạn đọc cung cấp thông tin, giới thiệu những nhân tố điển hình, gửi bài cộng tác cho chúng tôi theo địa chỉ email: maucotoiyeu.pnvn@gmail.com, hotline: 094.170.7373.

Hoài Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/khong-de-niem-tin-cua-dan-dung-ngoai-vach-kinh-ngan-post60791.html