Không để người dân, hộ gia đình nào không có Tết

Phát huy truyền thống 'tương thân tương ái', 'lá lành đùm lá rách' của dân tộc, nhằm bảo đảm mỗi gia đình, mỗi người dân đều có Tết đầm ấm, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều chương trình chung tay vì người nghèo theo đúng tinh thần 'không để hộ gia đình nào, người dân nào không có Tết'.

Các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và TP. Hà Nội tiễn công nhân lao động về quê đón Tết. Ảnh: TTXVN

Thực hiện công tác trợ giúp xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và cứu đói giáp hạt đầu năm 2019, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2019; chủ động sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói, bảo đảm không để người dân nào bị đói, không có Tết.

Trường hợp địa phương khó khăn không tự giải quyết được, cần chủ động đề nghị Trung ương hỗ trợ, nhất là những địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai.

Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số trên 9.258 tấn gạo cứu đói dịp Tết Kỷ Hợi và giáp hạt đầu năm 2019 cho 562.667 nhân khẩu cho 14 tỉnh (gồm Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Yên Bái, Cao Bằng, Bình Định, Quảng Bình, Lai Châu, Hà Giang, Phú Yên, Gia Lai, Lạng Sơn, Kon Tum, Hòa Bình), trong đó hỗ trợ cứu đói Tết gần 6.883 tấn gạo cho 458.866 nhân khẩu, hỗ trợ cứu đói giáp hạt gần 2.376 tấn gạo cho 103.801 nhân khẩu.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Quỹ “Vì người nghèo”, mặt trận các cấp đã tích cực tham gia các hoạt động chăm lo cho hộ nghèo nhân dịp Tết Kỷ Hợi. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết: Đến nay, Quỹ "Vì người nghèo" ở Trung ương đã phân bổ ngân sách cho 53 tỉnh để chăm lo Tết cho người nghèo. Ngoài ra, năm nay, từ nguồn tiền quỹ nhắn tin ủng hộ người nghèo đã thu được 6 tỷ đồng.

Thực hiện sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Chính phủ, Mặt trận đã chuyển số tiền này cho một số tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây nguyên để mua chăn, áo ấm, hỗ trợ cho trẻ em. Ngoài ra, cơ quan này tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa để cùng với các đoàn thể, cấp ủy chính quyền các địa phương chăm lo cho người nghèo theo đúng tinh thần "không để hộ nào, gia đình nào và người nào không có Tết".

Các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều chuyến xe chở công nhân về quê ăn Tết. Ảnh: TTXVN

Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục triển khai tích cực. Thông qua chương trình "Sức mạnh nhân đạo 2019", Ban Tổ chức đã nhận được số tiền 51,2 tỷ đồng và hơn 2 triệu suất quà để gửi tặng đến các hộ gia đình nghèo, gia đình có người nhiễm chất độc da cam, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2018, các hộ gia đình chính sách và cán bộ, hội viên chữ thập đỏ có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Chương trình nhắn tin Tết ủng hộ người nghèo và nạn nhân chất độc da cam qua Cổng Thông tin nhân đạo 1400 đã thu được hơn 2.000 tin nhắn. Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đồng ý việc sử dụng 6,3 tỷ đồng người dân ủng hộ qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 năm 2018 để tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa...

Cụ thể, 5 tỷ đồng sẽ được sử dụng để mua đồ ấm cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhân dịp Tết Kỷ Hợi; 1,3 tỷ đồng được sử dụng để hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ gia đình nghèo vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số ít người...

Hàng nghìn phần quà và vé xe miễn phí đã giúp cho nhiều công nhân, lao động nghèo trên toàn quốc được về quê đón Tết, sum vầy với gia đình. Đó là những món quà mang đậm ý nghĩa về tinh thần và vật chất nhân dịp đầu Xuân được Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp triển khai những năm gần đây thông qua chương trình “Tết sum vầy” và nhận được sự ủng hộ, quan tâm của toàn xã hội.

“Tết sum vầy 2019” được tổ chức tại tất cả các địa phương trên toàn quốc. Đây là năm thứ 5 liên tiếp được các cấp công đoàn tổ chức trên khắp mọi miền đất nước, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống cho công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng quà Tết cho công nhân. Ảnh: Báo Lao động

Chương trình “Tết sum vầy” năm 2019 nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và doanh nghiệp trên cả nước. Tính đến hết ngày 24/1, từ nguồn kinh phí của công đoàn và vận động ủng hộ từ doanh nghiệp, các cấp công đoàn cả nước đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết cho gần 3 triệu đoàn viên, người lao động với tổng số tiền gần 1.800 tỷ đồng.

Điểm mới trong chương trình “Tết sum vầy” năm 2019 là Tổng LĐLĐ đã tham mưu, đề xuất, đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội đi thăm, chúc Tết và tặng quà người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Việc làm này thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời, thiết thực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, người lao động. Đồng thời, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ để các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp đẩy mạnh việc chăm lo cho người lao động, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán năm nay và các năm tiếp theo.

BT (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/khong-de-nguoi-dan-ho-gia-dinh-nao-khong-co-tet/358460.vgp