Không để người dân ''chán'' bệnh viện công

Sáng 8-10, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đồng chủ trì buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan về bảo hiểm y tế.

Chủ tịch UBND Cao Tiến Dũng chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hạnh Dung

Chủ tịch UBND Cao Tiến Dũng chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hạnh Dung

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến ngày 30-9, số người có thẻ bảo hiểm y tế là hơn 2,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 82,3% dân số (bao gồm cả lực lượng vũ trang). Tỷ lệ này thấp hơn 4,2% so với chỉ tiêu của Thủ tướng chính phủ giao và thấp hơn 4,8% so với chỉ tiêu của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao.

Tính từ đầu năm đến ngày 30-9, Bảo hiểm xã hội đã thực hiện giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 5,5 triệu lượt người với số tiền 1.956 tỷ đồng. Số lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và số tiền sử dụng nguồn quỹ đều tăng so với năm 2018. Trung bình với mỗi ngày, Quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng hơn 6 tỷ đồng cho hoạt động khám, chữa bệnh của người dân, nhưng 4 tháng trở lại đây, quỹ bảo hiểm y tế tăng lên trên 7 tỷ đồng/ngày, có ngày cao điểm lên đến 12 tỷ đồng/ngày.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: B.Nhàn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, người dân tiêu hết 12 tỷ đồng/ngày để khám, chữa bệnh là con số “khủng”. Ngành y tế cần thống kê lại các mặt về dịch bệnh để UBND tỉnh chỉ đạo hệ y tế dự phòng làm việc hiệu quả hơn. Ngành cũng phải cập nhật thuốc mới, kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả điều trị cho người dân, tránh tình trạng người dân “chán” khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế công lập.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh phải có kiến nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạm ứng trước nguồn quỹ cho các cơ sở y tế hoạt động.

Khánh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/201910/khong-de-nguoi-dan-chan-benh-vien-cong-2967538/