' Không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước'

'Không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022) và trao bằng Tổ quốc ghi công năm 2022.

Theo đó, sáng 16/7, tại TP Vinh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ và lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ và trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ và trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; cùng nhiều đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương đã đến dự sự kiện này với 75 thân nhân liệt sĩ đại diện 387 liệt sĩ vinh dự đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022; cùng hơn 500 đại biểu, đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, lão thành cách mạng. ..

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ.

Theo báo cáo về tình hình giải quyết hồ sơ công nhận người có công thời gian qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhắc tới những đóng góp, hi sinh của các thương binh, liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến cứu nước, vì nền hòa bình và ấm no của dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Công tác xác nhận người có công với cách mạng nói chung, xác nhận liệt sĩ nói riêng qua nhiều thời kỳ luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Sau 5 năm triển khai quyết định số 408, Bộ LĐ-TB&XH đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Đáng chú ý, trong số các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hòa bình được gần 50 năm, có những trường hợp đã hi sinh 70, 80 năm về trước. “Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực, trách nhiệm sâu nặng, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và gia đình, thân nhân các liệt sĩ”, ông Dung chia sẻ.

Trong đợt trao bằng Tổ quốc ghi công này có cụ Phạm Khánh (SN 1869), tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi. Tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho thấy cụ bị địch bắt giam khi tham gia hoạt động cộng sản cùng đồng đội, bị địch tra tấn dã man, cụ đã hi sinh trong nhà lao vào ngày 27-9-1931 (đến nay đã trên 91 năm).

Xúc động đón nhận bằng Tổ quốc ghi công của ông nội, ông Phạm Bá Tiến (62 tuổi) chia sẻ: sau hơn 90 năm khắc khoải với biết bao lần chờ đợi, hi vọng tới ngày hôm nay, gia đình rất tự hào khi được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công của ông nội. “Nhận Bằng Tổ quốc ghi công hôm nay không chỉ là niềm tự hào, niềm vinh dự của gia đình tôi mà còn là vinh dự, tự hào của cả dòng tộc, xóm làng và quê hương”, ông Tiến nói.

Ông Phạm Bá Tiến (62 tuổi) chia sẻ tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ năm 1947 khi ngày 27/7 được chọn làm “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong suốt 75 năm qua.

Gửi lời chia sẻ, động viên tới các thân nhân liệt sĩ được đón nhận bằng Tổ quốc ghi công, ông Huệ mong rằng, bằng việc xác nhận liệt sĩ và nhận bằng Tổ quốc ghi công, các gia đình và thân nhân liệt sĩ sẽ được bù đắp phần nào những đau thương, mất mát đã trải qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trao tặng nhà tình nghĩa tới đại diện các gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ.

"Nhất quán chủ trương “không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước”, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia công tác người có công. Coi đó vừa là đạo lý, bổn phận trách nhiệm, vừa là tình cảm, vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thêm.

Nhân dịp này, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng trao tặng nhà tình nghĩa tới 20 gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ, mỗi căn nhà trị giá 70 triệu đồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ân cần thăm hỏi sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh.

Trong khuôn khổ chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu đã đến thăm, tặng quà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Minh Nguyệt (SN 1932), hiện đang sinh sống tại xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh năm nay 89 tuổi, hiện sinh sống tại phường Hồng Sơn, TP Vinh.

Hải Việt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/-khong-de-nguoi-co-cong-nao-khong-duoc-huong-chinh-sach-cua-dang-nha-nuoc--i660624/