Không để năng lượng thành gánh nặng của nền kinh tế

Đó là một trong những mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Bộ Công Thương trình Chính phủ trong tháng 11 này.

Quy hoạch tổng thể năng lượng phải đảm bảo mục tiêu năng lượng không là gánh nặng của nền kinh tế.

Quy hoạch tổng thể năng lượng phải đảm bảo mục tiêu năng lượng không là gánh nặng của nền kinh tế.

Quy hoạch mở…

Quy hoạch (QH) tổng thể về năng lượng (NL) quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển NL quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo thống kê, từ năm 1997-2019, nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ phát triển gần 7%. Nhu cầu NL của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây tăng 6,5% NL sơ cấp, riêng điện thương phẩm tăng 10,5%. Trong bối cảnh Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nhập khẩu (NK) NL ngày càng lớn thì vấn đề có đủ NL phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới nền kinh tế tự chủ và đảm bảo an ninh NL (ANNL) quốc gia đang gặp rất nhiều thách thức.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ đặt mục tiêu QHNL lần này giải quyết được sự phát triển hài hòa các phân ngành NL; đồng thời đưa ra một quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành NL. “Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức lập QH tổng thể về NL. Do đó, việc lập QH cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc đồng bộ và đảm bảo tính tương thích với các QH khác. Đặc biệt, việc đưa ra các cơ chế thực hiện QH trong giai đoạn mới cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan” - Thứ trưởng An nói.

Theo đại diện Bộ Công Thương, một trong những mục tiêu xây dựng QHNL lần này là xây dựng các kịch bản để không làm tăng chi phí NL, không để NL trở thành gánh nặng của nền kinh tế và phát triển NL phải hài hòa, thúc đẩy toàn bộ các ngành kinh tế phát triển. Đồng thời, đảm bảo cơ chế giám sát QH trong bối cảnh tốc độ phát triển ngày càng nhanh như hiện nay.

Trong những năm tới, xu thế phát triển NL thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch NL, thực thi mạnh mẽ các chính sách chống biến đổi khí hậu và tăng cường ANNL. Phát triển NL của Việt Nam trong thời kỳ NK ròng NL sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của các xu thế NL toàn cầu.

Đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh mới

Trước đây, các QH phát triển của từng phân ngành NL như điện, than, dầu khí, NL tái tạo… do các cơ quan khác nhau lập riêng rẽ, nên thiếu gắn kết, không tạo ra được một bức tranh chung cân đối và hài hòa về các mục tiêu mà chiến lược phát triển NL quốc gia đã đề ra. Những QH riêng rẽ tập trung nhiều vào phía cung cấp và ít chú ý vào phía tiêu thụ NL, do đó khó đưa ra một tầm nhìn tổng thể về vấn đề sử dụng hiệu quả NL - một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá nhu cầu NL quốc gia và triển khai các kế hoạch thúc đẩy hoạt động sử dụng NL hiệu quả.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, khi xây dựng và hoàn thiện QH cần lưu ý một số vấn đề như: Các dự thảo về chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới; Đảm bảo nhu cầu NL cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt nhưng vẫn đảm bảo ANNL; Nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường và đảm bảo cơ chế, giải pháp thực hiện để “ngành NL phải đi trước một bước”.

Ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Hệ thống điện (Viện Năng lượng) đánh giá, trong giai đoạn 2011-2019, các chỉ tiêu về ANNL ngắn hạn đã được cải thiện đáng kể. Đối với các chỉ tiêu về ANNL dài hạn cần chú ý đến mức độ phụ thuộc vào NL NK trong những năm cuối và mức độ tập trung vào nhiệt điện than.

Do đó khi xây dựng chính sách NL quốc gia cần tính đến xây dựng hệ thống cung cấp tin cậy và hiệu quả; thúc đẩy tiết kiệm và sử dụng hiệu quả NL, đảm bảo NKNL ổn định và tăng cường ANNL; Tạo ra thị trường NL cạnh tranh hoạt động hiệu quả để huy động nguồn lực từ xã hội; Từng bước xóa bỏ trợ giá trong sản xuất và tiêu dùng NL và đề ra các biện pháp tăng quỹ cần thiết cho việc thực hiện các chính sách NL.

Đặc biệt cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế sang các ngành sử dụng ít NL và có giá trị tăng cao như ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng tiêu dùng. Đối với chính sách ANNL, cần tiếp tục khảo sát thăm dò để tăng trữ lượng tài nguyên dầu, khí và than đá; sớm đưa hạ tầng tiếp nhận khí hóa lỏng LNG NK, sử dụng cho các nhà máy điện khí; xúc tiến đẩy mạnh NK điện từ các nước láng giềng…

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/khong-de-nang-luong-thanh-ganh-nang-cua-nen-kinh-te-556023.html