Không để 'lọt' đối tượng làm giả bệnh án tâm thần

TS Ngô Văn Vinh, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho biết, tất cả hồ sơ/bệnh án tâm thần của đối tượng có liên quan đến hoạt động tố tụng đều phải được giám định pháp y tâm thần. Với 13 bước giám định, quy trình giám định pháp y tâm thần rất chặt chẽ trong đánh giá năng lực hành vi của đối tượng. Do đó, hồ sơ/bệnh án tâm thần giả không có 'giá trị' trong việc giảm án hay miễn trách nhiệm hình sự với đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Các thành viên hội đồng giám định tiếp xúc, xác minh thông tin để xác định năng lực hành vi của đối tượng.

Phải trưng cầu giám định với đối tượng có hồ sơ/bệnh án tâm thần

Giám định pháp y tâm thần là một hoạt động tư pháp thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án nếu cơ quan tố tụng thấy cần xác định năng lực trách nhiệm hình sự thì phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Vì vậy trong hồ sơ trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng có bệnh án tâm thần hay không có bệnh án tâm thần, khi có quyết định yêu cầu trưng cầu giám định thì cơ quan giám định pháp y tâm thần vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật theo Thông tư 18 năm 2015 của Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần.

Theo TS Ngô Văn Vinh, hồ sơ/bệnh án tâm thần ban đầu là một trong những tài liệu trong hồ sơ trưng cầu giám định mà do cơ quan tiến hành tố tụng lập, thu thập và chuyển cho tổ chức giám định pháp y tâm thần. Trên cơ sở tài liệu trưng cầu giám định thì giám định viên nghiên cứu xem xét đánh giá tầm quan trọng khách quan của tài liệu để lựa chọn sử dụng trong quá trình giám định.

“Hồ sơ/bệnh án tâm thần ban đầu có vai trò quan trọng trong hai giai đoạn thực hiện giám định. Giai đoạn trước khi thực hiện giám định, hồ sơ/bệnh án tâm thần là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng làm cơ sở đưa ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quá trình thực hiện giám định để kết thúc, hồ sơ/bệnh án tâm thần là căn cứ quan trọng số một cùng với hồ sơ tài liệu khác trong hồ sơ trưng cầu giám định để giám định viên đưa ra kết luận của mình”, TS Vinh cho hay.

Do đó, cần phải phân định rõ ràng bệnh án tâm thần và bản kết luận giám định pháp y tâm thần. Kết luận giám định pháp y tâm thần là đánh giá, kết luận của cơ quan chuyên môn sau khi thực hiện trưng cầu giám định, còn bệnh án tâm thần là hồ sơ điều trị của bệnh nhân do cơ sở y tế xác lập để theo dõi.

Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương nhấn mạnh, trên cơ sở kết luận của giám định pháp y tâm thần đánh giá năng lực, trách nhiệm hành vi của đối tượng, cơ quan tố tụng sẽ quyết định vấn đề năng lực trách nhiệm hình sự. Do đó, không phải cứ có hồ sơ/bệnh án tâm thần là đối tượng được coi là tình tiết giảm nhẹ hay miễn trách nhiệm hình sự. “Có bệnh tâm thần hay không, không nói lên việc miễn trách nhiệm hình sự với đối tượng. Cơ quan giám định chỉ đánh giá năng lực hành vi. Còn việc đánh giá năng lực hình sự thuộc về cơ quan tố tụng. Thí dụ, đối tượng có bệnh tâm thần nhưng còn tùy thuộc vào mức độ bệnh; ảnh hưởng của bệnh đến hành vi phạm tội như thế nào thì cơ quan tiến hành tố tụng mới đánh giá năng lực hình sự”, TS Vinh nói.

TS Ngô Văn Vinh, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Tuy nhiên, nếu hồ sơ tâm thần ban đầu là tài liệu giả thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình giám định và kết luận giám định của cơ quan giám định. Hồ sơ giả cũng làm cơ quan tiến hành tố tụng phải mất thời gian trưng cầu giám định.

Về trường hợp đối tượng giang hồ Lê Thanh Tùng vừa bị cơ quan điều tra công an TP Hà Nội phát hiện mua hồ sơ, bệnh án tâm thần giả, TS Ngô Văn Vinh cung cấp thông tin: đối tượng Lê Thanh Tùng đã được cơ quan điều tra yêu cầu trưng cầu giám định. Đối tượng đã được theo dõi giám định 3 tuần tại Viện Giám định pháp y tâm thần. Trong thời gian đó, cơ quan trưng cầu giám định phát hiện Lê Thanh Tùng đã mua hồ sơ/bệnh án giả nên cơ quan tiến hành tố tụng rút hồ sơ, không thực hiện công tác giám định nữa.

Siết chặt việc cấp hồ sơ, bệnh án tâm thần

TS Ngô Văn Vinh cho biết, kết luận giám định có hai nội dung: thứ nhất về y học, đối tượng có bệnh tâm thần hay không, mức độ bệnh ra sao, thời điểm mắc bệnh thế nào hoặc có bệnh khác kèm theo hay không; thứ hai, đối tượng có vấn đề gì về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Trên cơ sở kết luận y học về bệnh tật, cơ quan giám định sẽ đánh giá các ảnh hưởng của rối loạn tâm thần nếu có đến hành vi phạm tội ở các giai đoạn tố tụng rồi đưa ra kết luận về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tuy nhiên, trong nhiều năm làm công tác giám định, TS Vinh thông tin, giữa chẩn đoán hồ sơ ban đầu với kết luận giám định pháp y tâm thần, có trường hợp trùng, có trường hợp không, có trường hợp khác chẩn đoán bệnh. “Rất nhiều kết luận của giám định pháp y không trùng với chẩn đoán ban đầu trong hồ sơ/bệnh án tâm thần”, TS Vinh nói.

Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho rằng, cần phải siết chặt lại việc cấp hồ sơ/bệnh án tâm thần vì nó liên quan đến vấn đề tố tụng, hình sự. “Theo tôi, muốn làm tốt thì các cơ sở chuyên khoa y tế trong ngành tâm thần phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Khám, chữa bệnh; thực hiện nghiêm túc quy chế bệnh viện của Bộ Y tế ban hành năm 1997. Trong đó phải lưu ý quy chế ra vào viện; quy chế hồ sơ bệnh án; quy chế khám bệnh, kê đơn cấp thuốc và quy chế hội chẩn. Nếu thực hiện bốn quy chế này tốt, sẽ hạn chế tối đa việc cung cấp các tài liệu, hồ sơ giả cũng như chẩn đoán bệnh thiếu chính xác”, TS Vinh nói.

Hiện nay, cả nước có 7 tổ chức giám định pháp y tâm thần thực hiện trưng cầu giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và Viện Pháp y Tâm thần Biên Hòa và 5 trung tâm pháp y tâm thần khu vực. Các tổ chức giám định pháp y tâm thần là nơi vừa thực hiện giám định theo trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, vừa là nơi điều trị cho các đối tượng được giám định có bệnh lý tâm thần để chờ thi hành án.

* Quy trình làm hồ sơ, bệnh án tâm thần vẫn còn kẽ hở?

* Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm những vi phạm trong làm giả bệnh án tâm thần

* Khởi tố cán bộ y tế làm giả bệnh án tâm thần tiếp tay cho tội phạm

Hiện nay, cả nước có 7 tổ chức giám định pháp y tâm thần thực hiện trưng cầu giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và Viện Pháp y Tâm thần Biên Hòa và 5 trung tâm pháp y tâm thần khu vực. Các tổ chức giám định pháp y tâm thần là nơi vừa thực hiện giám định theo trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, vừa là nơi điều trị cho các đối tượng được giám định có bệnh lý tâm thần để chờ thi hành án.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37328102-khong-de-lot-doi-tuong-lam-gia-benh-an-tam-than.html