Không để lọt đối tượng được trợ giúp pháp lý

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tại Hội nghị triển khai công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2019 diễn ra sáng 15/1.

Dự Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và đông đủ cán bộ, công chức, người lao động của Cục TGPL.

Đề xuất thí điểm người thực hiện TGPL trực tại Tòa án một số địa phương

Đánh giá kết quả năm 2018, Phó Cục trưởng Cù Thu Anh cho biết: So với Kế hoạch công tác năm 2018 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, tính đến ngày 31/12/2018, 100% các nhiệm vụ trọng tâm của Cục đều được triển khai theo đúng tiến độ đề ra và bảo đảm chất lượng. Với sự chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Thứ trưởng phụ trách và sự chủ động, quyết liệt trong điều hành công việc của lãnh đạo Cục, các nhiệm vụ được triển khai đồng bộ từ xây dựng hoàn thiện thể chế, quản lý chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, theo dõi chuyên môn, nghiệp vụ của các địa phương. Đặc biệt năm 2018, Cục đã cơ bản hoàn thiện về thể chế TGPL, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng xong Phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động TGPL.

Ngoài ra, trong năm 2018, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, Cục TGPL đã học tập kinh nghiệm của nước ngoài nghiên cứu các biện pháp phát triển dịch vụ TGPL hội nhập với quốc tế và khu vực, đang đề xuất Lãnh đạo Bộ xây dựng đề án người thực hiện TGPL trực tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trước mắt thí điểm ở Tòa án tại một số tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, hoạt động TGPL còn một số khó khăn do một số địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ kinh phí cho TGPL địa phương phải được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL theo quy định của pháp luật. Một số địa phương vẫn để lọt đối tượng được TGPL; số lượng vụ án mà người được TGPL được trợ giúp so với vụ án được xét xử và đối tượng được TGPL ở địa phương còn hạn chế…

Trong năm 2019, Cục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm công tác là tiếp tục tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước; tăng cường truyền thông về TGPL, thực hiện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong toàn hệ thống tổ chức TGPL. Đồng thời, nâng cao số lượng cũng như chất lượng dịch vụ TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng, tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, hạn chế bỏ lọt đối tượng được TGPL.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với công tác TGPL tại các địa phương để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác TGPL. Không những thế, sẽ phối hợp chặt chẽ và tốt hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan trong nâng cao hiệu quả công tác TGPL, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.

Chú trọng hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng điển hình

Chúc mừng các kết quả mà Cục TGPL đã đạt được trong năm 2018 vừa qua, đại diện các đơn vị thuộc Bộ cũng đưa ra một số ý kiến để công tác TGPL tiếp tục đạt được những thành công mới trong năm 2019. Cụ thể, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Ngọc Vũ đề xuất chú trọng kiểm soát chất lượng các vụ việc TGPL bằng cách sử dụng các nguồn lực xã hội; Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Chí Dũng kiến nghị sớm kiện toàn Trung tâm thông tin, dữ liệu TGPL; Phó Chánh Văn phòng Bộ Lê Thu Anh đề nghị hoàn thiện trang thông tin điện tử về TGPL theo hướng gần gũi hơn với người dân, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, 4…

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, TGPL là chính sách xã hội vô cùng tốt đẹp nên phải làm tốt, không để bị lạm dụng

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, TGPL là chính sách xã hội vô cùng tốt đẹp nên phải làm tốt, không để bị lạm dụng

Mặc dù là năm đầu tiên triển khai Luật TGPL 2017 nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, kết quả đạt được của công tác TGPL năm 2018 cho thấy đã có sự đồng lòng, thống nhất nhận thức trong tổ chức thi hành Luật. Chia sẻ với những tồn tại, hạn chế của công tác này, Thứ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, TGPL là chính sách xã hội vô cùng tốt đẹp nên phải làm tốt, không để bị lạm dụng. Với đối tượng hướng tới là những người yếu thế trong xã hội, công tác TGPL đòi hỏi “cái tâm” rất lớn của người thực hiện TGPL, từ đó giúp tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của Nhà nước, niềm tin vào chế độ trong nhân dân.

Để có thể “bứt phá” trong công tác TGPL năm 2019, Thứ trưởng yêu cầu công tác TGPL phải có những định hướng theo tinh thần này. Theo đó, cần phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện TGPL trong hoạt động thi hành án dân sự; phối hợp với các cơ quan tố tụng để phân loại, hướng dẫn các đối tượng hiểu và thực hiện quyền được TGPL của mình để đảm bảo không bỏ lọt các đối tượng thuộc diện được TGPL. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả TGPL, tiếp tục xóa ranh giới phân biệt về chất lượng dịch vụ do trợ giúp viên pháp lý cung cấp với dịch vụ do luật sư cung cấp trong điều kiện bình thường, chú trọng hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/khong-de-lot-doi-tuong-duoc-tro-giup-phap-ly-434777.html