Không dễ kiểm soát lạm phát năm 2019?

Trước diễn biến trồi sụt của giá dầu thế giới, áp lực để kiềm chế lạm phát là không đơn giản khi thuế bảo vệ môi trường đánh trên mặt hàng xăng dầu của Việt Nam đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019.

Giá năng lượng thế giới bất ngờ đảo chiều từ tháng 10 đã góp phần kìm hãm lạm phát của Việt Nam năm 2018

Trái với những nhận định trước đó về rủi ro lạm phát tăng cao trong quý cuối năm, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý IV/2018. Theo đó, lạm phát được duy trì dưới 4%, thậm chí là dưới 3% vào tháng 12. Tính chung cả năm, lạm phát bình quân đạt 3,54%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.

Lý giải sự gia tăng của CPI trong năm 2018, báo cáo kinh tế Việt Nam quý IV/2018 của Viện Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm phục hồi so với năm 2017. Giá thịt lợn trong năm 2018 đã tăng mạnh sau khi chạm đáy 30 năm trong năm 2017do mất cân đối cung - cầu.

Bên cạnh đó, giá lương thực cũng tăng cao do nhu cầu lớn từ thị trường thế giới. Tính chung lại, nhóm lương thực, thực phẩm làm CPI tổng tăng 0,61%. Trước khi giảm vào cuối năm, giá dầu thô thế giới liên tục tăng và đạt đỉnh bốn năm. Điều này dẫn tới thực tế là nhóm hàng năng lượng vẫn làm CPI tổng cả năm tăng 0,63%.

Mặt khác, từ ngày 1/1/2019, Bộ Tài chính điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đánh trên mặt hàng xăng dầu lên 4.000 VND/lít. Tuy nhiên, việc giá dầu thế giới ở mức thấp cùng với việc sử dụng quỹ bình ổn khiến cho người dân chưa cảm nhận được tác động của việc tăng thuế.

Trong thời gian tới khi giá dầu có thể khôi phục dần trở lại, báo cáo của VEPR cho rằng, những tác động sẽ trở nên rõ nét hơn vì giá xăng dầu tăng thường kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng.

Bên cạnh đó, các dịch vụ công đóng góp lớn cho sự gia tăng CPI trong năm 2018. Cụ thể, việc các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BHYT của Bộ Y tế đã làm cho giá mặt hàng này tăng tới 13,86% và làm CPI chung tăng0,54%.

Trong khi đó, việc các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí cũng làm CPI nhóm hàng giáo dục tăng 7,12% và tăng CPI tổng 0,37%.

Ông Nguyễn Đức Thành

Nhận định về xu hướng lạm phát của năm 2018, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng, trong năm vừa qua, lạm phát có xu hướng hạ nhiệt nhờ giá năng lượng thế giới bất ngờ đảo chiều giảm mạnh từ tháng 10/2018 đã góp phần không nhỏ kìm hãm lạm phát, đưa lạm phát bình quân cả năm xuống dưới mục tiêu 4%.

Tuy nhiên, mặc dù lạm phát tổng thể giảm trong quý IV, nhưng lạm phát lõi vẫn tiếp tục tăng. Diễn biến trong năm 2018 cho thấy, xu hướng tăng nhẹ của lạm phát lõi. Khởi đầu năm ở mức 1,18%, lạm phát lõi đã tăng dần và đạt mức 1,72% và 1,70% lần lượt vào tháng 11 và 12. Điều này dường như phần nào thể hiện khuynh hướng vẫn nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước.

Dự báo lạm phát năm 2019, ông Thành cho rằng, lạm phát năm 2019 quý I có thể đạt 3,25%; quý II: 3,72%; quý III: 3,10%; quý IV: 4,28%.

Theo vị chuyên gia này, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ khi giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới trồi sụt thất thường. Trong bối cảnh đó, áp lực đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới để ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát là không nhỏ, nhất là khi thuế bảo vệ môi trường đánh trên mặt hàng xăng dầu đã chính thức đi vào hiệu lực từ 1/1/2019.

Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần thật thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi kiểm soát, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.

Minh Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khong-de-kiem-soat-lam-phat-nam-2019-1547311167794.htm