Không để kẻ xấu lợi dụng hình ảnh BĐBP để trục lợi bất chính

Thời gian vừa qua, xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn giả danh cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an để thực hiện các hành vi lừa đảo. Những việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật, gây hoang mang trong dư luận, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng vũ trang nhân dân, đòi hỏi phải được nghiêm trị.

Đối tượng Vũ Quốc Tuấn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Quang Long

Đối tượng Vũ Quốc Tuấn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Quang Long

Gã bảo vệ trong bộ quân phục Biên phòng

Gần đây, cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh BĐBP liên tục nhận được đơn thư tố cáo của nhân dân về việc có một đối tượng tự xưng tên là Vũ Quốc Tuấn, mang quân hàm Thiếu tá, xưng danh là cán bộ công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai. Đối tượng này vay tiền của một số người, nhưng sau đó cắt liên lạc và không trả lại. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng BĐBP khẩn trương vào cuộc, điều tra, xác minh danh tính của đối tượng. Qua điều tra xác minh, cơ quan chức năng của BĐBP xác nhận không có cán bộ nào tên là Vũ Quốc Tuấn đang công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai.

Chiều 9-10, Phòng Bảo vệ An ninh, Cục Chính trị BĐBP phối hợp với Đồn Công an Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội tiến hành bắt giữ đối tượng Vũ Quốc Tuấn (sinh năm 1972, quê ở xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), là bảo vệ tại Công ty Dệt Vĩnh Phúc, trụ sở tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, có hành vi giả danh cán bộ BĐBP, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.

Tiến hành xác minh ban đầu, cơ quan chức năng được biết, đối tượng Vũ Quốc Tuấn thường xuyên sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để làm quen, tán tỉnh các cô gái trên mạng xã hội. Nạn nhân mà Tuấn nhắm đến thường là những cô gái chưa lập gia đình hoặc đã li dị chồng. Để tạo vỏ bọc “hoàn hảo” cho bản thân, Tuấn thường xuyên đưa các hoạt động cá nhân của mình lên mạng xã hội trong vai một sĩ quan Biên phòng. Sau khi làm quen và được các cô gái tin tưởng, Tuấn dùng mọi thủ đoạn cũng như những lời hứa hẹn ngon ngọt “mượn” tiền của nạn nhân, sau đó hắn cắt liên lạc và chiếm đoạt số tiền có được.

Tại cơ quan điều tra, Vũ Quốc Tuấn khai nhận, vào năm 2018, đối tượng đã mua quân phục của BĐBP, 1 bộ quân hàm gồm cầu vai, ve áo ở ngoài thị trường, với mục đích ban đầu để đưa lên mạng xã hội khoe mẽ. Ngoài quân phục và quân hàm của BĐBP, đối tượng Tuấn còn sử dụng trái phép nhiều quân hàm của các lực lượng khác trong Quân đội.

Trước đó, thông qua mạng xã hội, Vũ Quốc Tuấn làm quen với chị L.T.Q (đã li dị chồng), trú tại Hải Phòng. Vẫn bằng thủ đoạn lợi dụng hình ảnh mình là một cán bộ Biên phòng đang công tác tại Lào Cai, Tuấn đã kết thân và chiếm trọn sự tin tưởng của chị Q. Giữa tháng 12-2018, Tuấn gọi điện cho chị Q. nói mình đang tham gia một chuyên án lớn vây bắt các đối tượng buôn bán ma túy ở khu vực biên giới và bị thương nặng phải nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng do vết thương nặng nên phải qua Bệnh viện 103 để lọc máu. Vì đơn vị ở xa, không có tiền “bồi dưỡng” cho bác sĩ nên Tuấn đã hỏi vay chị Q. Do tin tưởng Tuấn nên từ cuối tháng 12-2018 đến tháng 7-2019, chị Q. đã 10 lần chuyển tiền vào tài khoản cá nhân cho Tuấn với tổng số tiền là gần 60 triệu đồng. Sau đó, Tuấn cắt đứt liên lạc hoàn toàn với chị Q. Ngoài ra, theo thông tin cơ quan chức năng cung cấp, đối tượng Tuấn còn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của một số phụ nữ ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cần nghiêm trị hành vi giả danh cán bộ Quân đội để lừa đảo

Tại thời điểm đối tượng Vũ Quốc Tuấn bị lực lượng chức năng bắt giữ, phóng viên Báo Biên phòng đã có mặt tại thôn Trung Hậu Đông, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh - nơi đối tượng Tuấn thuê nhà ở hơn 1 năm nay. Theo quan sát của phóng viên, đó là một dãy nhà trọ gần 10 phòng. Căn phòng nơi đối tượng Tuấn ở chỉ rộng chừng 4m2, trên tường là hình ảnh Tuấn mặc quân phục Biên phòng được in trên một tấm bạt khổ lớn treo kín cả bức tường, giữa nhà ngổn ngang tàn thuốc lá, kèm theo mùi ẩm mốc với chiếc bàn nhỏ gắn đầy những phụ kiện điện thoại phục vụ cho việc sử dụng mạng xã hội để Tuấn có thể tiếp cận những nạn nhân nhẹ dạ, cả tin trên mạng.

Theo quy định tại Điều 339, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 quy định về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc thì người phạm tội có hành vi giả mạo cấp bậc hoặc chức vụ, được thực hiện bằng mọi hình thức (nói, viết, mặc trang phục, phù hiệu...) có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện các hành vi phạm tội khác, như “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì sẽ phải chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội đó. Tại Khoản 2, Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Luyến, chủ dãy nhà trọ nơi Vũ Quốc Tuấn ở cho hay, Tuấn chuyển về đây thuê nhà chỉ hơn 1 năm nay và rất ít khi giao du, trò chuyện với mọi người xung quanh. Đặc biệt, phòng của Tuấn thường xuyên “cửa đóng, then cài”, khi có mặt ở nhà, Tuấn cũng rất ít khi đi ra ngoài. Khi biết tin đối tượng Tuấn bị bắt giữ vì hành vi giả danh cán bộ trong lực lượng Quân đội, bà Luyến tỏ ra rất bất ngờ về vị khách thuê nhà của mình hơn 1 năm qua.

Có thể nói, qua sự việc trên cho thấy, các đối tượng thường lợi dụng lòng tin của người dân đối với Quân đội để “bịa” ra những chiêu trò nhắm vào nhóm người nhẹ dạ, cả tin với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sự việc không chỉ khiến những nạn nhân bị lừa đảo bức xúc, mà nghiêm trọng hơn, làm ảnh hưởng đến lực lượng vũ trang, gây mất lòng tin trong một bộ phận nhân dân.

Đại tá Bùi Công Chính, Phó Trưởng phòng Bảo vệ An ninh, Cục Chính trị BĐBP cho biết: “Việc giả danh sĩ quan Quân đội đã là vi phạm, lại còn đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là hành động vi phạm pháp luật cần phải được xử lý một cách nghiêm khắc. Những đối tượng xấu thường lợi dụng sự tin tưởng, yêu mến của nhân dân đối với lực lượng Quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là với Cục Bảo vệ An ninh quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tiến hành các biện pháp kiểm tra, quản lý địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng hình ảnh Quân đội để vi phạm pháp luật”.

Quang Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khong-de-ke-xau-loi-dung-hinh-anh-bdbp-de-truc-loi-bat-chinh/