Không để học sinh phải quá tải, dồn ép giờ học

Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 1; điểm b khoản 2 Điều 4 Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16-602017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018. Theo đó, thời gian kết thúc năm học, thời gian thi THPT quốc gia được lùi lại do năm nay, học sinh phải nghỉ học do diễn biến dịch bệnh Covid -19.

Theo ông Lê Bá Việt Hùng - Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Phú Thọ - nhận định, việc điều chỉnh khung thời gian năm học của Bộ GD&ĐT là hợp lý, đảm bảo cho các cơ sở giáo dục hoàn thành kế hoạch năm học và có thời gian chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021.

Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng trường lớp học. Đồng thời, tổ chức rà soát tiến độ thực hiện chương trình từng môn học/hoạt động giáo dục để xác định số tiết còn chậm, thiếu. Căn cứ vào khung thời gian năm học đã điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học. Tuyệt đối không được dồn ép, cắt xén chương trình; thời gian, thời lượng dạy bù phù hợp, không gây quá tải cho học sinh, đảm bảo chất lượng dạy học. Thêm vào đó, Sở cũng đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 9, lớp 12, hướng dẫn học sinh tự ôn tập, tự học trong thời gian nghỉ học.

Các địa phương đã sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại, đảm bảo không học dồn ép và vẫn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: T.Fan

Các địa phương đã sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại, đảm bảo không học dồn ép và vẫn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: T.Fan

Còn tại Nghệ An, ông Thái Văn Thành – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Quyết định lùi kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT là chính xác, giúp địa phương, nhà trường thuận lợi, ổn định dạy học theo chương trình. Với những điều chỉnh trên, Nghệ An sẽ không phải dạy bù vào các ngày thứ 7, chủ nhật. Điều này giúp địa phương, nhà trường ổn định dạy học theo chương trình sau thời gian nghỉ học tương đối dài mà không quá cập rập, áp lực. Tính đến hết tháng 2, học sinh toàn tỉnh nghỉ học 3 tuần, trừ đi 2 tuần dự phòng thì Nghệ An chỉ bị chậm kế hoạch thời gian năm học 1 tuần. Theo đó, dự kiến trước 10-6 các trường học của Nghệ An sẽ hoàn thành chương trình năm học, thời gian còn lại dành cho ôn tập, chuẩn bị các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT quốc gia.

Căn cứ thực tế tình hình phòng chống dịch bệnh ở trong nước, khả năng điều trị,… Hà Nội hiện đang đề xuất đến ngày 2-3 sẽ tổ chức đi học lại. Đồng thời, Hà Nội cũng triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ trường học. Đến nay, TP đã thực hiện 4 lần vệ sinh, tiêu độc khử trùng trường học, đến khi các cháu đi học sẽ phun đến lần thứ 5. TP cũng hướng dẫn, tập huấn toàn bộ cho giáo viên cách ứng xử, kỹ năng phát hiện, xử lý khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ; không tổ chức chào cờ tập trung toàn trường, thực hiện chào cờ trong lớp học; giảm bớt các hoạt động tập thể tập trung đông người để bảo đảm an toàn. Trong thời gian học sinh nghỉ học trước đó, các trường cũng tăng cường ôn tập qua mạng. Nhằm hỗ trợ học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai hệ thống ôn tập trực tuyến cho học sinh khối lớp 8 và lớp 9 tại địa chỉ web của Sở, không để học sinh phải quá tải vì học bù.

Hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội tạo đang yêu cầu rà soát, thống kê số cán bộ giáo viên và học sinh trở về Việt Nam từ ngày 10-2 trở lại đây ở các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Đến nay, trong toàn ngành giáo dục Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào mắc Covid-19. Để chuẩn bị các điều kiện trước khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP phải kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra. Theo đó, các trường cần thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường, lớp trước khi đón học sinh trở lại và thực hiện hàng ngày; chuẩn bị đủ các điều kiện vệ sinh phục vụ học sinh và giáo viên như nơi rửa tay, nước sạch và xà phòng, giấy sạch hoặc khăn để lau tay hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có nồng độ cồn tối thiểu 60%); chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh để ở trong thang máy, vệ sinh khử khuẩn ô tô đưa đón học sinh và có dung dịch sát khuẩn tay nhanh gắn ở vị trí lên xuống.

Trao đổi với báo chí các vấn đề liên quan đến thời gian cho học sinh, sinh viên đi học lại sau thời gian nghỉ chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thông thường năm học mới sẽ bắt đầu từ ngày 5-9 và kết thúc vào khoảng 31-5, trong đó thời gian thi THPT quốc gia được tổ chức vào khoảng cuối tháng 6. Tuy nhiên năm học 2019-2020 đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên Bộ GD&ĐT đã ban hành khung chương trình mới để phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó Bộ sẽ cho lùi thời gian kết thúc năm học một tháng để bù lại khoảng thời gian học sinh nghỉ từ trước Tết đến nay. Khung chương trình mới được áp dụng cho các cấp học từ mầm non đến THPT. Từ điều chỉnh này, các địa phương không cần phải bố trí lịch học bù, học thêm. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, tùy theo tình hình thực tế địa phương và sở giáo dục tỉnh này có thể xây dựng phương án, khung thời gian học phù hợp.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Sở GD&ĐT các địa phương có thể chủ động quyết định thời gian cho học sinh học trở lại từ ngày 2-3. Tương tự, các trường ĐH, CĐ cũng có thể tự quyết định thời gian sinh viên đi học trở lại.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-de-hoc-sinh-phai-qua-tai-don-ep-gio-hoc-181394.html