Không dễ gọi vốn làm phim từ cộng đồng

Thông tin dự án phim 578 của đạo diễn Lương Đình Dũng kêu gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding) nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả.

578 không phải là dự án phim duy nhất mong muốn có sự chung tay của cộng đồng trong quá trình sản xuất phim. Tuy nhiên, việc gọi vốn từ cộng đồng sản xuất phim cũng gặp không ít khó khăn.

Một cách để “đo” phản ứng của khán giả về dự án

Dự kiến tổng kinh phí cho dự án phim 578 là 60 tỷ đồng và số tiền cần huy động từ cộng đồng là trên 30 tỷ. “Hãy chung tay cùng chúng tôi tạo nên một bộ phim của chúng ta. Tôi muốn bộ phim này được tạo nên từ tôi và các bạn. Một triệu bàn tay sẽ dựng lên một bức tường thành vững chắc. Bộ phim truyền đi thông điệp tới tất cả cộng đồng rằng: Chúng ta hãy đứng bên cạnh những đứa trẻ”, đạo diễn dự án phim 578 nói.

Dự án 578 của đạo diễn Lương Đình Dũng đang kêu gọi vốn cộng đồng để sản xuất phim.

Để tham gia dự án 578, khán giả có thể đóng góp kinh phí với nhiều mức khác nhau, thấp nhất là dưới 200 nghìn đồng cho đến 50 triệu đồng và mức đóng góp khác cao hơn theo khả năng của khán giả. Với mỗi mức đóng góp, khán giả sẽ nhận được phần quà khác nhau từ nhà sản xuất. 578 vẫn đang trong giai đoạn kêu gọi vốn và hiện nhà sản xuất chưa công bố số tiền thu được. Đáng chú ý là hồi đầu tháng 1/2018, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản đã ủng hộ dự án 2 tỷ đồng.

Được biết, 578 không phải dự án phim đầu tiên kêu gọi vốn làm phim từ cộng đồng. Dự án phim ngắn kêu gọi vốn cộng đồng thành công đầu tiên ở Việt Nam là Người cùng phòng của đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt, nhà sản xuất Josh Levy - Giám đốc điều hành Ever rolling films. Dự án bắt đầu kêu gọi vốn từ tháng 11/2016 với mục tiêu là 85 triệu đồng. Sau gần 3 tháng, số tiền kêu gọi được là 92,3 triệu đồng. Số tiền huy động được từ khán giả đã giúp Người cùng phòng hoàn thành các khâu sản xuất.

Nguyễn Lê Hoàng Việt, đạo diễn phim Người cùng phòng chia sẻ trên các phương tiện truyền thông đại ý rằng, anh có thể tìm được nhà tài trợ cho dự án của mình nhưng dễ bị họ chi phối. Với việc gọi vốn cộng đồng, phim không bị phụ thuộc vào các điều khoản do nhà tài trợ đưa ra vì mọi người hiểu dự án, thích thì mới ủng hộ. Đồng thời, đây cũng là cách để “đo” phản ứng của khán giả về phim trước khi hoàn thành.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng, việc kêu gọi vốn từ cộng đồng cho một dự án phim rất phổ biến và dễ thành công trên thế giới. Đây là phương thức tốt để phát triển điện ảnh nói chung, tạo điều kiện để các phim độc lập có cơ hội phát triển.

Không ít khó khăn

Ở Việt Nam, một số nền tảng gọi vốn cộng đồng được nhiều người biết đến như Betado.com, Comicola.com, Fundstart.vn. Gọi vốn cộng đồng được đánh giá là hình thức vừa có khả năng gọi vốn thành công cao, vừa có thể đo lường được mức độ đón nhận của cộng đồng với dự án. Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, kêu gọi vốn từ cộng đồng để triển khai các dự án nghệ thuật như truyện tranh, âm nhạc, điện ảnh… đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng không nhiều. Trong số đó, không phải dự án nào cũng kêu gọi vốn thành công.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2017, dự án phim Nếu một ngày - If one day của Phạm Thanh Tân gọi vốn cộng đồng trên Fundstart. Mục tiêu của dự án đặt ra là 350 triệu đồng nhưng chỉ đạt 7%, tương đương 26 triệu. Dự án Nếu một ngày - If one day kêu gọi vốn không thành công.

Nhiều người cho rằng, kêu gọi vốn cộng đồng sản xuất phim gặp nhiều khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác như truyện tranh hay âm nhạc. Điều này bắt nguồn từ việc chi phí sản xuất phim thường cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Kinh phí cao đòi hỏi số lượng người tham gia ủng hộ nhiều với mức tiền đóng góp lớn.

Trong khi đó, kêu gọi vốn cộng đồng vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, chưa được nhiều người biết đến ở Việt Nam. Khán giả chỉ biết đến dự án qua mạng xã hội mà không được trực tiếp tham gia sản xuất, phát hành phim… nên có tâm lý e dè khi góp vốn cũng là điều dễ hiểu. Trở lại câu chuyện của 578, khả năng kêu gọi vốn thành công là rất khó khi mục tiêu mà dự án đặt ra là rất lớn.

Quà tặng khán giả nhận được khi góp vốn chủ yếu là lời cảm ơn, vé mời dự ra mắt phim, xuất hiện tên ở vị trí cộng tác viên phía cuối phim… chưa đủ sức hấp dẫn với người hâm mộ. Một vấn đề cũng rất được quan tâm là, với khán giả góp vốn lớn, nếu phim ra rạp thành công, thu được lợi nhuận cao thì việc chia sẻ lợi nhuận có đặt ra hay không, nếu có thì chia như thế nào?

Bên cạnh đó, yếu tố quyết định khá lớn đến việc kêu gọi vốn thành công chính là uy tín, danh tiếng của nhà sản xuất - người đứng ra kêu gọi vốn cộng đồng. Nếu nhà sản xuất là những đạo diễn trẻ chưa được nhiều người biết đến thì việc gọi vốn càng khó khăn hơn cho dù họ có ý tưởng mới lạ, độc đáo.

Tường Phạm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khong-de-goi-von-lam-phim-tu-cong-dong-n143897.html