Không để giành giật phi công

Trước bối cảnh hàng loạt hãng hàng không mới ra đời, tàu bay liên tục được nhập về (cả mua và thuê), các hãng hàng không đã tìm cách lôi kéo nhân lực của nhau và Chính phủ đã phải có chỉ đạo để ngăn chặn.

Máy bay của Cty Hành Tinh Xanh chưa một lần cất cánh phục vụ đào tạo phi công

Máy bay của Cty Hành Tinh Xanh chưa một lần cất cánh phục vụ đào tạo phi công

Tại cuộc họp sơ kết an ninh hàng không mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh một số vấn đề cần khắc phục. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng đội tàu bay dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực phi công, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và nguồn lực của nhà chức trách hàng không cho công tác giám sát an toàn. Phó Thủ tướng lưu ý về tình trạng cạnh tranh phi công.

“Không nên để xảy ra tình trạng giành giật phi công trong nước, phi công do Nhà nước đào tạo hiện nay là tài nguyên quốc gia, không để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Không tăng chuyến để buộc phi công phải quay vòng nhanh. Phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm cho đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không 6 tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Công tác kiểm soát khai thác còn chưa đảm bảo tuân thủ quy định, đã xảy ra tình trạng vi phạm trong xếp lịch bay và kiểm soát thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay… Với tình trạng các hãng đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó Thủ tướng đánh giá việc này có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hóa.

Bài học từ Thái Lan, Indonesia còn đó

Thị trường hàng không Việt phát triển nóng cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là về an toàn hàng không, dù hồi tháng 1 vừa qua, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã Phê chuẩn Chứng nhận an toàn cấp 1 cho Việt Nam (CAT-1). Bài học từ các nước trong khu vực vẫn còn đó, khi hàng không phát triển “nóng”, các vấn đề an toàn bị xem nhẹ.

Còn nhớ, năm 2015, FAA đã hạ bậc đánh giá an toàn hàng không Thái Lan từ loại 1 xuống loại 2, do quốc gia này đã không tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trước đó, năm 2007, Liên minh châu Âu cũng chặn máy bay của 51 hãng hàng không Indonesia hạ cánh trên đường băng các nước này, với lý do thiếu các tiêu chuẩn an toàn. Tương tự, Mỹ và châu Âu cũng từng cấm máy bay các hãng hàng không Philippines từ năm 2010 đến năm 2013 vì lý do tương tự.

Báo cáo Bộ GTVT mới đây, Cục Hàng không đánh giá, do thời gian qua thị trường hàng không tăng trưởng nhanh, các hãng mới ra đời, số máy bay nhập về tăng, dẫn tới vẫn còn ùn tắc tại một số sân bay lớn; nguồn nhân lực chuyên ngành như phi công, kỹ thuật viên tàu bay ở một số thời điểm còn thiếu. Do đó, có tình trạng dịch chuyển nhân lực trong nội bộ ngành. Qua thống kê, phân tích nguyên nhân của một số sự cố uy hiếp an toàn tàu bay đã xảy ra thời gian qua cho thấy, tỷ lệ lỗi của phi công nước ngoài cao hơn so với lỗi của phi công người Việt.

Các hãng hàng không mới đang rầm rộ tuyển chọn và đào tạo phi công, kỹ thuật viên tàu bay. Điều này cũng khiến các chuyên gia hàng không lo ngại, vì nếu không được kiểm soát tốt, chất lượng nguồn nhân lực sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí khủng hoảng thừa.

Cục Hàng không tính toán, tới năm 2025, Việt Nam cần trên 3.500 phi công (tăng thêm hơn 1.200 phi công so với hiện nay). Đồng thời, cần hơn 4.300 kỹ thuật viên tàu bay (tăng thêm hơn 1.700 kỹ thuật viên).

BỐN VIỆT

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/khong-de-gianh-giat-phi-cong-1464309.tpo