Không để dịch chồng dịch

Tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. 8 tháng năm 2020, chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tăng trưởng nhanh. Hiện tổng đàn lợn của Hà Nội là 1,3 triệu con, đàn gia cầm 36,8 triệu con... Với tốc độ tái đàn chăn nuôi như vậy, thành phố không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm 2020 mà còn góp phần ổn định giá cả, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2020 cũng là thời điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ tăng cao vì nhiều lý do: Thời tiết bất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh; các hộ dân đẩy nhanh việc tái đàn, tăng đàn khiến mật độ chăn nuôi tăng cao dễ lây lan dịch bệnh…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động khó lường đến đời sống kinh tế - xã hội, nếu bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng… bùng phát sẽ gây nên những hệ lụy kép, tác động trực tiếp đến tăng trưởng của ngành Nông nghiệp cũng như đời sống nhân dân. Do vậy, nguy cơ rủi ro dịch bệnh sẽ là thách thức lớn nhất đối với chăn nuôi của Hà Nội trong những tháng cuối năm 2020.

Cũng vì vậy, thành phố đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phải tập trung, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Để làm được điều này, các đơn vị, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm một cách hết sức cụ thể về nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất... có thể ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra; đồng thời phòng, chống dịch lây lan từ bên ngoài vào địa bàn.

Cùng với đó là tổ chức cảnh báo nguy cơ các bệnh nguy hiểm; đặc biệt là việc tổ chức giám sát ngay từ cơ sở, tới từng hộ chăn nuôi; rà soát, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng, tai xanh và những bệnh có nguy cơ cao. Riêng với cúm gia cầm, ngoài việc tiêm phòng vắc xin, cần tăng cường giám sát sự biến đổi của vi rút bởi thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều nhánh vi rút cúm mới xâm nhập vào nước ta.

Mặt khác, các địa phương cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp quản lý việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm dịch. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động giám sát dịch bệnh tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các cơ sở chăn nuôi tăng cường các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, bảo đảm môi trường an toàn dịch bệnh... Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm của dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm.

Về phía người chăn nuôi cần tuân thủ các quy định và chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động khai báo với chính quyền địa phương, nhân viên thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, chết bất thường để chính quyền có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.

Với việc chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh ngay từ cơ sở, nguy cơ dịch chồng dịch sẽ được đẩy lùi. Chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2020, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, góp phần ổn định giá, bảo đảm an sinh xã hội.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/977929/khong-de-dich-chong-dich