Không dễ để fintech được áp dụng cơ chế sandbox

Để được phép tham gia sandbox, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ phải đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí khắt khe...

Ảnh minh họa.

Chia sẻ tại Hội thảo Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) đã được cơ quan này trình dự thảo Đề án tới Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8 vừa qua.

Đây là cơ chế thử nghiệm được thiết lập bởi các cơ quan quản lý, trong đó cho phép các công ty khởi nghiệp fintech và tổ chức đổi mới sáng tạo khác được thực hiện thử nghiệm trực tiếp các dịch vụ trong môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý.

Các thử nghiệm này được triển khai trong một phạm vi, thời hạn xác định, đồng thời, phải có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.

Mục tiêu của cơ chế này là nhằm thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng, qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân.

Đồng thời, tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý.

Bên cạnh đó, hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ chưa được cấp phép chính thức.

Cũng theo ông Sơn, hiện Việt Nam đã có tới 150 doanh nghiệp fintech, trong đó 31 công ty hoạt động cho lĩnh vực thanh toán. Ngoài ra, còn nhiều công ty khác hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài chính cá nhân, giải pháp blockchain…

Dù vậy, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán cho rằng, không phải công ty nào cũng có thể được tham gia cơ chế sandbox.

“Để được phép tham gia sandbox, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ phải đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí khắt khe”, ông Sơn nói.

Theo đó, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng mà tổ chức cần phải đáp ứng là phải là giải pháp fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao.

Bên cạnh đó, giải pháp phải được thiết kế quản lý rủi ro tốt; có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm.

Ngoài ra, giải pháp phải được công ty fintech hoặc tổ chức thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích;

Đây cũng phải là các giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm.

Một tiêu chí quan trọng nữa là đây phải là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.

Thời gian thử nghiệm, dự thảo Đề án đưa ra, là từ 1 đến 2 năm, kể từ thời điểm được xét duyệt thử nghiệm. Phạm vi thử nghiệm tùy thuộc vào các giải pháp fintech cụ thể, bao gồm đồng thời 1 trong 3 yếu tố: địa lý, hạn mức giao dịch và số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.

Regulatory sandbox là thuật ngữ được áp dụng đối với các khu vực phi tài chính. Trong đó, khung điều chỉnh thử nghiệm đầu tiên được Phòng Bảo vệ tài chính của khách hàng (CFPB) tại Mỹ thiết lập vào năm 2012 dưới tên gọi “Dự án Xúc tác - Project Catalyst”.

Năm 2015, Cơ quan Điều hành tài chính (FCA) tại Vương quốc Anh đưa ra khái niệm “điều chỉnh thử nghiệm - regulatory sandbox”. Sau thời gian đó, khái niệm này được phát triển tại trên 20 nước trên thế giới.

Đây là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý.

Về phía các nhà điều hành luật pháp, sandbox giúp rút ngắn thời gian đưa các điều luật mới theo kịp với sự phát triển không ngừng của công nghệ.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/khong-de-de-fintech-duoc-ap-dung-co-che-sandbox-3523538.html