Không dễ dàng

Hội nghị cấp cao Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 39 vừa diễn ra ở thủ đô Riyadh của A-rập Xê-út trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng khu vực phủ bóng lên hội nghị. Hàng loạt các vấn đề từ những mâu thuẫn liên quan Qatar, cuộc chiến tại Yemen và cái chết của nhà báo A-rập Xê-út G.Kha-sốc-ghi khiến các nước trong khu vực đối mặt thách thức lớn.

Chủ đề thảo luận chính của hội nghị cấp cao GCC lần này là các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy hội nhập và hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế và luật pháp. Tuy nhiên, ngay trước thềm diễn ra hội nghị, việc Qatar tuyên bố rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bộc lộ những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ khối. Chưa kể Qatar bị các thành viên khác trong GCC chỉ trích khi chỉ cử Bộ trưởng Ngoại giao tham dự hội nghị.

Mặc dù mục tiêu của hội nghị là hàn gắn những mâu thuẫn nội khối, song đây là thách thức lớn đối với GCC khi giữa Qatar và một số nước trong khu vực không cùng chung quan điểm. Là một liên minh kinh tế và chính trị thành lập năm 1981, GCC, bao gồm A-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Kuwait, đang phải chứng kiến thời kỳ khủng hoảng trầm trọng nhất. Quan hệ giữa các nước GCC bắt đầu rạn nứt từ tháng 6-2017, thời điểm A-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar. Những nước này cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố và can thiệp công việc nội bộ của các nước khác, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có ở vùng Vịnh. Trong khi đó, Qatar bác bỏ tất cả và cho rằng những nước này muốn xâm phạm chủ quyền của Doha.

Một trong những mục tiêu của Hội nghị cấp cao GCC lần này là xem xét các mối quan hệ của khối với Iran sau khi Mỹ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. Lâu nay, A-rập Xê-út và các đồng minh UAE, Bahrain vẫn ủng hộ Mỹ trong việc gia tăng sức ép đối với Iran. Tuy nhiên, hai nước thành viên khác của GCC là Kuwait và Oman mong muốn bình thường hóa quan hệ với Iran. Qatar thậm chí có quan hệ mật thiết hơn với Iran và đây cũng là một trong những lý do dẫn tới căng thẳng ngoại giao giữa Doha với các nước trong khu vực. Hiện A-rập Xê-út đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm kiềm chế vai trò và ảnh hưởng của Iran ở Trung Ðông. Bộ Ngoại giao Iran đã bác bỏ cáo buộc của GCC nhằm vào Tehran tại hội nghị cấp cao của nhóm này. Iran kêu gọi GCC cần xóa bỏ những hiểu lầm và khác biệt bên trong và ngoài khối bằng cách thực hiện một cách tiếp cận độc lập và hợp lý, thay vì theo đuổi những chính sách gây chia rẽ. Tại hội nghị, A-rập Xê-út đã chỉ trích Iran tiếp tục "khuyến khích khủng bố và đe dọa sự ổn định khu vực".

Trong bối cảnh đó, truyền thông khu vực Trung Ðông đưa tin về việc A-rập Xê-út theo đuổi thành lập một liên minh với sáu nước có đường biên giới giáp Biển Ðỏ và Vịnh Aden, một khu vực có vị trí chiến lược đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu. Ước tính, có 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày được chuyên chở qua eo biển Bab el-Mandab để tới châu Âu, Mỹ và châu Á. Các quốc gia mà Riyadh muốn bắt tay hợp tác là Ai Cập, Djibouti, Somalia, Sudan, Yemen và Jordan. Bộ trưởng Ngoại giao A-rập Xê-út Adel al-Jubeir cho biết, đây là một phần trong các nỗ lực của Riyadh nhằm bảo vệ lợi ích của đất nước cũng như lợi ích của các nước láng giềng và hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với khu vực này. Ðể khẳng định vai trò của mình, A-rập Xê-út đã công bố một số dự án lớn dọc vùng Biển Ðỏ, trong đó có một đặc khu kinh tế hợp tác đầu tư cùng với Ai Cập và Jordan trị giá 500 tỷ USD. Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái của A-rập Xê-út nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với các "đối thủ" trong khu vực.

Trước hàng loạt vấn đề xảy ra gần đây, các nước thành viên GCC cần tăng cường đoàn kết và thống nhất để giải quyết. Tuy nhiên, rạn nứt giữa Qatar với các thành viên trong khối vẫn khiến khu vực này không dễ dàng trong việc khôi phục sức mạnh từng có trước đây. Bóng đen của sự chia rẽ vẫn bao phủ vùng Vịnh.

ANH THƯ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38569302-khong-de-dang.html