Không dễ dàng lựa chọn hoa hậu

Trước đêm chung kết 16/9 để tìm ra ngôi vị cao nhất Hoa hậu Việt Nam 2018, nhà sử học Dương Trung Quốc, Trưởng BGK khẳng định việc lựa chọn danh hiệu Hoa hậu rất khó khăn, thậm chí có thể thay đổi ở phút cuối.

Trưởng BGK khẳng định lựa chọn hoa hậu không dễ dàng Ảnh: hồng vĩnh

Vương miện Hoa hậu Việt Nam 2018 sắp có chủ nhân, với tư cách Trưởng BGK ông đánh giá thế nào về chất lượng thí sinh cũng như các ngôi vị cao nhất?

Có lẽ cũng giống nhiều cuộc thi khác, tới phút cuối BGK mới tìm được chủ nhân HHVN 2018. Thực tế, thí sinh thay đổi rất nhiều từ hình thể, kỹ năng, phong cách cho tới tư duy trong suốt chặng thi. Cuộc thi dựa nhiều vào các tổ chức thanh niên, trường học nên mặt bằng học vấn tương đối tốt. Có nhiều nơi không phải “lò” đào tạo nhưng tạo nên truyền thống, phong cách như trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao. Càng ngày tôi càng thấy BTC quan tâm hơn tới việc bỏ thời gian, công sức tiền bạc để huấn luyện thí sinh chuyên nghiệp hơn. Tôi cảm thấy thí sinh vất vả đấy nhưng họ nói đều nói mình được hơn rất nhiều, cho dù cuối cùng có giành vương miện hay không.

Một số giải thi thành phần tương đối rõ như Người đẹp Thể thao, Tài năng, Du lịch hay vẻ đẹp về khuôn mặt, làn da dễ phát hiện hơn cả, cơ bản xác định được rồi, tuy nhiên ngôi hoa hậu rõ ràng rất khó. Các bạn thí sinh càng đi sâu, sự lựa chọn của giám khảo càng khó khăn hơn: Kinh nghiệm cho thấy kết quả có thể thay đổi vào phút cuối, nhất là phần thi trực quan ở đêm chung kết tuy chỉ chiếm tỷ trọng không nhiều nhưng có tác động trực tiếp, nhất là sự thể hiện ở phần thi ứng xử.

Phải chăng nói khó lựa chọn hoa hậu là cách trả lời của BGK để giữ bí mật và tạo bất ngờ ở phút chót?

Khó khăn này là có thật, bởi có những thí sinh ngay từ đầu nổi trội nhưng càng về sau BGK càng phải cân đong đo đếm với sự thay đổi từng ngày của nhiều thí sinh trong vòng chung kết. Áp lực từ mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ hơn, vừa thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn. Mạng xã hội mang lại rất nhiều thông tin, ngược lại cũng làm nhiễu loạn đòi hỏi BTC, BGK phải có ứng xử độc lập, nhưng lại không thể chối bỏ trách nhiệm trước sự giám sát của dư luận.

Tại cuộc thi năm 2016 ông từng nói ngoại hình phải được đặt lên trước hết sau đó mới lựa chọn ai ưu trội về nội dung hơn, tiêu chí này liệu còn đúng ở cuộc thi
năm nay?

Chúng tôi vẫn giữ vững tiêu chí ấy: Hoa hậu phải đẹp đồng thời vẫn phải coi trọng quan niệm truyền thống của cuộc thi - đòi hỏi vẻ đẹp tâm hồn, nội lực, nhân cách. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến việc lựa chọn khó khăn hơn, bởi bảy thành viên giám khảo đều có nhận thức khác nhau về cái đẹp. Nguyên tắc làm việc của BGK đầy tính dân chủ - mọi người nêu ý kiến cá nhân, trên cơ sở đó sẽ phân tích, thuyết phục lẫn nhau để tìm tiếng
nói chung.

Lần đầu tiên có tới ba hoa hậu ngồi ghế giám khảo, nói là trở ngại cũng được nhưng điều này mang lại cách suy nghĩ phong phú hơn bởi phái nữ có sự đồng cảm nhất định với thí sinh. Mỗi lần chúng tôi thuyết phục, tranh luận là thêm một lần đánh giá thí sinh tốt hơn. Đương nhiên đêm chung kết đánh dấu mốc 30 năm HHVN nên ý nghĩa xã hội cũng đặc biệt hơn, trách nhiệm của BGK cũng vì thế nặng thêm.

Cảm ơn ông!

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hoa-hau/khong-de-dang-lua-chon-hoa-hau-1324343.tpo