Không để con chữ chông chênh theo con nước

Do lũ cao hơn mọi năm nên đường đến trường của các em học sinh các tỉnh đầu nguồn vùng lũ ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp gặp không ít khó khăn. Hầu hết các em nhà đều rất nghèo, cha mẹ phải đi làm ăn xa hay mưu sinh trên đồng nên nhiều em phải tự mình bơi xuồng đến lớp. Một số khác được chính quyền địa phương phối hợp cùng nhà trường đưa rước. Nhìn cảnh các em vượt cánh đồng nước, nhiều người không khỏi chạnh lòng, lo lắng vì việc học con chữ nơi đây 'chông chênh' như chính chiếc xuồng chở các em vượt lũ đến trường.

Một ngày sau lễ khai trường, PV Báo CAND có mặt tại điểm trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) và cảm nhận được phần nào sự vất vả, gian nan của việc dạy và học nơi đây. Tuyến lộ dọc theo kênh Châu Đốc dẫn đến trường bị nước ngập cao gần 2 mét, tại điểm trường này hiện có 151/552 em học sinh được chính quyền địa phương phân công cán bộ, lực lượng dân quân đưa rước.

Từ 5h30 sáng, học sinh tại các khu vực bị nước cô lập không thể tự đi đến trường đã chuẩn bị sẵn sàng tập sách để được rước đến trường bằng chiếc vỏ lãi băng qua cánh đồng nước mênh mông. Đến 11h trưa, lại được đưa về nhà. Theo danh sách được nhà trường đã phân loại theo từng tuyến kênh, các em học sinh cẩn thận bước xuống 3 chiếc vỏ lãi, mặc áo phao, cài dây an toàn. Sau khi ổn định và kiểm tra lại số lượng đúng như danh sách, cán bộ đưa rước cho nổ máy, rẽ sóng đưa các em về nhà sau một buổi học.

Em Phan Thị Trúc Phương (học sinh lớp 4B, trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông) cho biết: “Đường từ nhà cháu đến trường nước ngập cao hơn đầu. Cha mẹ thì bận đi đồng, nên con được các cô chú đưa rước đi học hàng ngày”.

Học sinh “rốn lũ” các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long di chuyển bằng xuồng đến trường giữa bốn bề mênh mông nước.

Bà Nguyễn Thị Hai, một phụ huynh có hai con học tại trường này, chia sẻ: “Các chú tổ chức đưa đón các cháu nhỏ an toàn lắm. Tất cả các cháu khi lên đò là phải mặc áo phao. Hôm nào các cháu học hai buổi, các chú ấy tổ chức đưa đón 4 lượt nhưng tụi nhỏ chẳng phải tốn tiền hay phí gì”.

Ông Lâm Ngọc Hồ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, cho biết: “Mỗi năm, tùy vào tình hình nước lũ về sớm hay muộn mà địa phương tiến hành đưa rước học sinh. Năm nay, lũ về sớm nên đầu tháng 8 đã triển khai công tác này. Chúng tôi đang tổ chức đưa rước 291 em, tập trung trên 5 tuyến, chủ yếu học sinh ở 2 ấp ngập sâu là Vĩnh Hòa và Vĩnh An”.

Ông Hồ kể, những ngày đầu khi mới triển khai, lực lượng đưa rước gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, phụ huynh không tin tưởng đến chuyện miễn phí hoạt động và tính an toàn. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện đã tạo được niềm tin của người dân mỗi khi nước tràn đồng. Làm công việc đưa rước học sinh là những anh em tình nguyện của xã đội và người dân nhiệt tâm. Tất cả mọi người đều không tính công và chỉ mong sao quá trình học tập của các em không bị gián đoạn bởi nước lũ.

Ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết là địa bàn đầu nguồn vùng lũ nên nhiều năm qua huyện luôn có “kịch bản” thích ứng với lũ nhỏ, lũ lớn. Riêng năm nay, lũ về sớm, mực nước không ngừng dâng cao, do đó, qua thống kê trên toàn huyện có khoảng 1.000 em học sinh phải đi đò đến trường.

Hiện địa phương đã tổ chức đưa đón 380 em học sinh, số còn lại khi nào đường bị ngập, địa phương tiếp tục thực hiện việc đưa đón các em, đảm bảo các em an toàn đến trường trong mùa lũ. Ngoài việc tổ chức đưa đón các em học sinh đến trường khi các tuyến đường bị ngập, để phụ huynh an tâm lao động, sản xuất trong mùa nước lũ, huyện An Phú đã có kế hoạch bố trí 35 điểm giữ trẻ của 14 xã, thị trấn với hơn 1.000 trẻ em trên địa bàn.

Hiện đã tổ chức 4 điểm giữ trẻ ở xã Phú Hữu, Vĩnh Hội Đông với 150 cháu. Mặt khác, chính quyền địa phương còn tổ chức 30 điểm cứu hộ trên địa bàn huyện để khi người dân gặp nạn kịp thời ứng cứu.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết, đã chỉ đạo các phòng giáo dục vùng đầu nguồn lưu ý theo dõi mực nước sông Cửu Long, khi nước lên quá cao gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học thì phải tính toán linh hoạt cho học sinh tạm nghỉ học.

Để đảm bảo an toàn cho các em, đầu năm học này, ngành giáo dục địa phương đã có kế hoạch vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ tập sách, hàng trăm chiếc áo phao để các em an toàn đến trường trong mùa lũ. Công tác đưa rước học sinh phải tuyệt đối đảm bảo an toàn.

Tại tỉnh Đồng Tháp, hơn 2 tuần nay, nước lũ dâng cao đã nhấn chìm tuyến đường đê từ ấp Giồng Bàng đến trung tâm xã Thường Phước 1 và các vùng lân cận huyện Hồng Ngự. Để đến trường, 20 học sinh phải di chuyển bằng xuồng, với chặng đường khoảng 5 km. Khu dân cư Giồng Bàng được xây dựng theo đỉnh lũ năm 2001 (năm lũ lớn) nên nằm trơ trọi giữa 4 bề nước nổi.

Giồng Bàng có 45 học sinh tiểu học, 20 học sinh cấp THCS. Giáo viên cũng phải di chuyển bằng đò để đến trường dạy cho trẻ mầm non và cấp tiểu học ở đây. Thầy Nguyễn Văn Hợp, giáo viên tiểu học gắn bó với ấp Giồng Bàng 15 năm nay bộc bạch, mỗi ngày lên 2 buổi nên sáng thức sớm chuẩn bị cơm mang theo rồi đi xuồng đến trường. Buổi trưa, thầy mắc võng ngủ lại để chiều tiếp tục lên lớp. “Nước ở đây ngập sâu và chảy xiết nguy hiểm lắm. Phần lớn các em học sinh đều thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên thấy thương lắm”, thầy Hợp bộc bạch.

“Ấp Giồng Bàng có 2 điểm trường, các em mầm non và tiểu học thì học tại chỗ nên giáo viên phải di chuyển bằng xuồng, hơn 5km vào đây dạy. Ngược lại, khoảng 20 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 thì phải di chuyển ra trung tâm xã để học”, thầy Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Phòng GD&ĐT nói. Ngoài ấp Giồng Bàng, huyện còn ấp Giồng Giếng (xã Thường Thới Hậu A) nếu mực nước tiếp tục lên nhanh thì các em học sinh cũng phải di chuyển bằng xuồng.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Giáo dục, từ đầu mùa lũ, huyện Hồng Ngữ đã bố trí 7 nhóm giữ trẻ tại các xã Thường Phước 1, Thường Phước 2, 2 xã cù lao Phú Thuận A, Phú Thuận B, với 157 trẻ. Mỗi nhóm từ 17 đến 27 trẻ, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh xảy ra nguy cơ đuối nước mùa lũ.

Trần Lĩnh – Văn Vĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/quyet-khong-de-con-chu-chong-chenh-theo-con-nuoc-509302/