Không để chậm thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng

Bộ Quốc phòng đã ban hành Văn bản số 11914/BQP-HC, ngày 24-10-2018, hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) quân nhân theo Chỉ thị số 210-CT/QUTW ngày 1-4-2016 của Quân ủy Trung ương, về lãnh đạo tổ chức thực hiện BHYT đối với quân nhân tại ngũ giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Đại tá, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần (CQY, TCHC), về một số nội dung thực hiện BHYT quân nhân.

Phóng viên (PV): Thực hiện Chỉ thị số 210-CT/QUTƯ, 100% quân nhân tại ngũ tham gia khám, chữa bệnh (KCB) BHYT từ ngày 1-1-2018. Vậy việc quản lý, sử dụng thẻ BHYT được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Đối với việc quản lý thẻ, quân y các đơn vị có trách nhiệm nhận bàn giao thẻ BHYT từ cơ quan nhân sự, lập sổ đăng ký, theo dõi và quản lý thẻ BHYT, sau đó bàn giao thẻ BHYT cho người hưởng lương quản lý. Riêng hạ sĩ quan, binh sĩ, quân y đơn vị từ cấp tiểu đoàn và tương đương quản lý tập trung. Mọi quân nhân có trách nhiệm quản lý thẻ BHYT của mình. Nếu thẻ bị hư hỏng, thất lạc phải báo cáo ngay với đơn vị để làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên.

Quân nhân khi đi KCB phải xuất trình thẻ BHYT và một giấy tờ tùy thân có ảnh do cấp có thẩm quyền cấp, để được hưởng quyền lợi KCB BHYT. Trường hợp chuyển tuyến phải có giấy chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp quân nhân khi đi KCB mà chưa có thẻ BHYT (vì các lý do: Sai lệch thông tin, đơn vị chưa kịp hoàn thiện hồ sơ; mất, chưa được cấp thẻ, cấp thẻ muộn, chờ cấp lại, đổi thẻ...), hoặc có các vướng mắc phát sinh, quân y đơn vị và các cơ sở KCB thông báo ngay đến Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ Quốc phòng để kịp thời cung cấp mã thẻ, hoặc cấp thẻ BHYT cho quân nhân và hướng dẫn giải quyết.

PV: Đến nay, ngoài các bệnh viện quân y, mới có 1/3 các bệnh xá và cơ sở KCB còn lại trong quân đội ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ quan BHXH. Vậy với các cơ sở quân y chưa ký hợp đồng với cơ quan BHXH do chưa đủ điều kiện tham gia KCB BHYT, thì việc thực hiện KCB đối với quân nhân được thực hiện như thế nào?

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Đối với các đơn vị đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa; các đồn biên phòng; các đơn vị trên tuyến đảo gần bờ; các đơn vị có bệnh xá, cơ sở KCB chưa đủ điều kiện tham gia KCB BHYT thực hiện như sau: Hằng năm, các đơn vị căn cứ quân số bảo đảm, phân cấp phạm vi kỹ thuật, năng lực chuyên môn, lập dự toán kinh phí KCB đối với giường bệnh xá và tuyến quân y đơn vị (ngoài các nội dung đã được bảo đảm từ nguồn kinh phí 10% quỹ KCB BHYT theo quy định) gửi lên cấp trên trực tiếp cho tới Cục Tài chính; CQY, TCHC; BHXH Bộ Quốc phòng để thẩm định, báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hỗ trợ kinh phí KCB từ nguồn kết dư quỹ BHYT theo quy định. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị có cơ sở quân y chưa đủ điều kiện tham gia KCB BHYT có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan đầu tư củng cố cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị và nguồn nhân lực đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở pháp lý, hồ sơ hợp đồng KCB BHYT với BHXH Bộ Quốc phòng, hoặc cơ quan BHXH địa phương.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh xá cơ quan Quân đoàn 1 (tháng 3-2018). Ảnh: Thành Duy

PV: Thưa đồng chí, chi phí cho các nhiệm vụ bảo đảm quân y (BĐQY) không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT quân nhân và chưa có trong tiêu chuẩn định mức BĐQY theo quy định, sẽ được giải quyết như thế nào?

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Chi phí cho các nhiệm vụ BĐQY không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT vẫn được bảo đảm từ ngân sách quốc phòng. Ví dụ, khám sức khỏe (KSK) quân nhân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự (TSQS); đi học tại các trường trong và ngoài quân đội theo chỉ tiêu được giao; phúc tra, giám định sức khỏe tuyển quân, TSQS tại các bệnh viện quân y; KSK trước khi đi làm nhiệm vụ trên biển, đảo; KSK vận động viên, tuyển thủ tham gia hội thao, hội thi; khám giám định (KGĐ) bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần theo quy định; KGĐ thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công; chi phí KCB cho lực lượng dự bị động viên trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi phí tiêm phòng vắc-xin, tiêm huyết thanh điều trị dự phòng và chi phí cho các nhiệm vụ khác khi được Bộ Quốc phòng giao. Về nội dung này, CQY đã đề xuất thủ trưởng TCHC và thủ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016, quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng. Trước mắt, các cơ sở KCB, các cơ quan, đơn vị tổng hợp kinh phí đã thực chi cho các nhiệm vụ về CQY và Cục Tài chính để báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng bổ sung kinh phí.

Các cơ quan, đơn vị cần quán triệt đầy đủ nguyên tắc chung trong thực hiện BHYT quân nhân là: Trong mọi tình huống, không để do vướng mắc về thủ tục hành chính mà chậm thời gian, giảm chất lượng công tác cấp cứu, điều trị cho quân nhân tại tất cả cơ sở KCB trong và ngoài quân đội. Phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT và thanh toán chi phí KCB BHYT cho quân nhân được áp dụng tại tất cả cơ sở KCB trên phạm vi toàn quốc, bao gồm cả các cơ sở KCB trong và ngoài quân đội, cơ sở KCB tư nhân theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để quân nhân phải tự bỏ tiền khi KCB BHYT đúng nơi đăng ký KCB ban đầu, có đủ thủ tục, hoặc chuyển tuyến đúng quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ANH QUÂN - DUY THÀNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/khong-de-cham-thoi-gian-anh-huong-den-chat-luong-554993