Không để cảm xúc hóa rong rêu

Mỗi hội viên của Hội VH-NT tỉnh có cách nhìn, cách cảm nhận riêng, bằng thủ pháp nghệ thuật họ đã tạo ra những tác phẩm đa sắc màu, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Nhiều công chúng yêu nghệ thuật bảo rằng, thơ của Nguyễn Ngọc Hưng cho ta thêm trân trọng cuộc sống, còn ảnh nghệ thuật của Nguyễn Đăng Lâm cho ta hiểu thêm về quê hương, đất nước trên đà phát triển.Cảm nhận cuộc sống qua màn ảnh nhỏGần 25 năm là hội viên Hội VH-NT tỉnh, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) chưa một lần đi thực tế sáng tác, vì bệnh tật. Vậy mà, dòng thơ của anh vẫn chứa đầy hơi thở của cuộc sống. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng bộc bạch: 'Không muốn cảm xúc của mình hóa rong rêu, hằng ngày trải nghiệm cuộc sống bằng mắt, bằng tai qua tivi, sách báo rồi xúc cảm thành thơ'.'Trong 5 năm qua, hội viên Hội VH-NT tỉnh đã tích cực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao. Từ năm 2014 đến nay, có 26 tác phẩm đoạt giải trong khu vực, toàn quốc và quốc tế. Mỗi tác phẩm của hội viên như những bông hoa đẹp, tạo nên một vườn hoa đa sắc màu trong làng VH-NT tỉnh nhà'.

Cựu binh Mỹ sám hối ở Sơn Mỹ (ảnh đoạt Huy chương Bạc Liên hoan Khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên - 2018). Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm

Cũng vì lẽ đó mà nhà văn Tạ Duy Anh có lần nhận xét trên diễn đàn thơ ca Việt Nam: "Có thể nói thơ của Nguyễn Ngọc Hưng là một hồi ức dài không dứt, đầy nuối tiếc về một cõi nửa hư nửa thực. Nó mang âm hưởng của lời cầu mong, cầu xin, lời thú tội của nỗi thèm khát được sống, được yêu, được xả thân, được an ủi nỗi đau của người khác và được tha thứ, cứu rỗi... Vì thế, khi đọc thơ anh, tâm hồn ta bỗng dịu lại”.

Những dòng thơ của Nguyễn Ngọc Hưng đã góp phần tạo nên sự đa dạng của văn học đương đại tỉnh nhà. Những tác phẩm của anh như “Niệm”; “Gió từ mộ gió”; “Say khói quên đường”; “Với người vợ lính Trường Sơn”... đều đạt giải cao trong các cuộc thi do trung ương tổ chức.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng kể, bài thơ “Với người vợ lính Trường Sơn” đến với anh từ sự cảm nhận của những người phụ nữ quê anh có chồng đi kháng chiến. Họ chỉ được sống trong những giây phút vợ chồng rất ngắn ngủi. Ngày vợ tiễn chồng là bắt đầu họ sống những chuỗi ngày thương nhớ. Đến khi đất nước thống nhất, mọi người hân hoan đón chào người thân trở về thì họ nhận được tin chồng nằm lại vĩnh viễn ở chiến trường.

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng còn góp phần làm thức tỉnh bao người lầm lỗi trở về với gia đình và xã hội. Bài thơ “Say khói quên đường” (đạt giải B trong cuộc thi do Bộ VH-TT&DL tổ chức) cũng nhờ gửi đi thông điệp này. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng bộc bạch: Xã hội bây giờ có rất nhiều cám dỗ, nhất là đối với giới trẻ. Người cầm bút phải có sự định hướng. Nhiều người lầm lỗi trở về với gia đình, nơi bình yên nhất, để ta chữa lành vết thương, tiếp tục vững bước trên con đường đời...

Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh HỒ VĂN MINH

Bước chân không mỏi

Nếu như thơ hình thành từ cảm xúc, lột tả nội tâm của tác giả, thì ảnh nghệ thuật hội tụ nhiều yếu tố từ ngoại cảnh, ánh sáng, bố cục và cả niềm đam mê. Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Đăng Lâm đã rong ruổi khắp các đường quê ghi lại những bức ảnh phản ánh đa chiều về cuộc sống, về quê hương, đất nước đang trên đà phát triển.

Nhà báo, NSNA Nguyễn Đăng Lâm cho biết, tôi đến với nghề nhiếp ảnh từ cuối năm 1975, khi mới thành lập Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Phú Khánh. Lúc bấy giờ chủ yếu chụp ảnh máy cơ với phim ảnh đen - trắng. Qua quá trình chụp ảnh, tráng phim, rọi ảnh thời sự và ảnh nghệ thuật, tôi “nghiện” ảnh nghệ thuật bao giờ chẳng rõ. “Ai có niềm đam mê, chịu khó học hỏi, thường xuyên đi cơ sở sẽ sáng tác được những tác phẩm đẹp”, NSNA Nguyễn Đăng Lâm trải lòng.

Qua 10 năm, kể từ khi được kết nạp hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Nguyễn Đăng Lâm trở thành cánh chim đầu đàn trong giới nhiếp ảnh của tỉnh. Ông hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh tại Quảng Ngãi. Từ đam mê sáng tác ảnh, mỗi năm, ông đã bổ sung vào “kho” ảnh của mình hàng chục tác phẩm ảnh nghệ thuật. Trong đó, có 1 tác phẩm đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan khu vực Nam Trung Bộ- Tây Nguyên và triển lãm nhiều tác phẩm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc; cuộc thi ảnh nghệ thuật biển, đảo quê hương 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức.

NSNA Nguyễn Đăng Lâm bộc bạch: “Mỗi tác phẩm nhiếp ảnh đều ghi lại một khoảnh khắc. Nhưng để có được khoảnh khắc tuyệt vời thì mình phải yêu nghề và chịu khó đi sáng tác". Vì lẽ đó, mặc dù đã lớn tuổi nhưng NSNA Nguyễn Đăng Lâm vẫn như thời trai trẻ, cùng đồng nghiệp khoác ba lô đi săn ảnh trên khắp các vùng miền.

MAI HẠ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/201810/khong-de-cam-xuc-hoa-rong-reu-2913985/