Không để BOT vượt qua tầm kiểm soát

Báo SGGP ngày 16-1-2018 có đăng bài 'Xử lý dứt điểm các vướng mắc về BOT', tôi rất đồng tình quan điểm của bài báo và xin góp thêm ý kiến về vấn đề thời sự này.

Trạm BOT Ninh An tê liệt vì tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm ngày 4-12-2017

Câu chuyện BOT Cai Lậy tạm thời yên ắng từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-12: Không thu phí 1 đến 2 tháng tại BOT Cai Lậy để chờ phương án khả thi. Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh: Không để tình trạng này kéo dài.

Tuy nhiên, sau Tết Dương lịch 2018, tình trạng này đã lây lan, xảy ra ùn tắc tại trạm BOT Ninh An (Khánh Hòa), BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, BOT 319 Sông Phan (Bình Định), BOT Sóc Trăng, BOT T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ - An Giang). Nhiều tài xế ở một số địa bàn có trạm thu phí BOT tìm mọi cách gây ùn ứ giao thông qua các trạm BOT.

Các trạm BOT ứng phó bằng cách vừa xả vừa thu, xả khi cần giải phóng lượng xe ùn ứ và thu khi hết ùn tắc. Đồng thời giải quyết miễn giảm giá thu phí tùy theo từng đối tượng địa bàn cư trú gần xa, từng loại phương tiện lưu thông. Đó chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời giải quyết tình trạng giao thông bị ùn ứ chứ không thể áp dụng lâu dài. Nếu không có giải pháp tổng thể, căn cơ, khả thi, phù hợp quyền lợi các bên liên quan để giải quyết, sẽ có nguy cơ xảy ra hiệu ứng dây chuyền đến nhiều địa phương khác, chẳng những gây ùn tắc giao thông, mà còn gây mất an ninh trật tự nhiều địa phương có trạm BOT.

Giải pháp căn cơ và bền vững là phải giải quyết cốt lõi đang tiềm ẩn đằng sau quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhiều bên. Việc đặt trạm BOT nên thực sự hợp lý, sòng phẳng, không để người dân phải đóng phí đường tránh khi qua trạm BOT được đặt ở quốc lộ, nơi mà mặc nhiên họ được quyền điều khiển phương tiện giao thông vì đã đóng góp xây dựng nhiều loại phí đã được quy định. Chủ đầu tư đường tránh không thể nhập nhằng thu phí BOT cho việc xây dựng đường tránh bằng cách bỏ ra thêm một phần nhỏ vốn đầu tư duy tu, bảo dưỡng một đoạn quốc lộ rồi đặt trạm BOT trên quốc lộ.

Một nguyên tắc rất cơ bản là: Không qua đường tránh thì không phải đóng phí đường tránh. Cần xem xét, mạnh dạn xóa hoặc chuyển về đúng vị trí đối với trạm BOT nào bất hợp lý. Đối với các trạm BOT đã đặt đúng vị trí, cũng cần nghiên cứu mức thu phí hợp lý cho từng đối tượng, từng địa bàn cư trú gần xa và từng loại phương tiện giao thông. Không đánh đồng giá thu phí tất cả phương tiện giao thông và phải có miễn giảm giá thu phí đối với người dân cư trú những địa bàn gần cửa trạm BOT phải qua trạm một ngày nhiều lần. Hãy để cho người dân có thể lựa chọn phương án khi điều khiển phương tiện giao thông, nếu thấy đi đường tránh có quãng đường ngắn hơn, nhanh hơn, thực sự lợi ích cho họ thì họ đóng phí để đi qua.

Do vậy, khi xây dựng đường tránh phải tính toán thế nào có sức thu hút các phương tiện giao thông, tránh tình trạng sau đó vắng xe lưu thông, rồi ép buộc các phương tiện giao thông phải nộp phí BOT một cách bất hợp lý. Cũng cần thanh tra, truy cứu trách nhiệm những quan chức đã có sai phạm khi tùy tiện cho xây dựng những trạm BOT không đúng vị trí.

Nước ta trong thời kỳ phát triển, việc áp dụng phương thức xây dựng hạ tầng giao thông bằng BOT là tất yếu. Hiện nay, ngay cả ở những nước có trình độ phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật tiên tiến vẫn còn áp dụng cách làm này. Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng giao thông theo phương thức BOT phải đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với quyền lợi từ nhiều phía, không để BOT là miếng mồi béo bở cho lợi ích nhóm thao túng.

TÚ NGUYÊN (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khong-de-bot-vuot-qua-tam-kiem-soat-494675.html