Không để bình luận trên báo điện tử thành nơi kích động, xuyên tạc, sai sự thật

Quản lý các bình luận của độc giả luôn là vấn đề nan giải với nhiều tòa soạn trên thếgiới và Việt Nam trong những năm qua.

Cơ quan báo chí phải có trách nhiệm kiểm soát nội dung trước khi xuất bản,kể cả các nhận xét của bạn đọc. Ảnh minh họa

Việc tiếp nhận, xử lý, chia sẻ những bình luận đó như thế nào là điều cần phải suy nghĩ, cẩn trọng, nếu không rất dễ bị lợi dụng để tiếp tay phát tán thông tin xấu - độc, trở thành công cụ để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu làm mất uy tín người khác, gây ra những hậu quả tai hại cho nhiều cá nhân, tổ chức.

Nhiều tờ báo đã bắt đầu tính đến chuyện cấm hẳn việc độc giả bình luận vào bài báo của họ. Một số khác bắt buộc độc giả phải sử dụng danh tính thực khi bình luận, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc đó sẽ triệt tiêu tính tương tác với độc giả.

Tạp chí Người Làm Báo ghi nhận ý kiến của các nhà báo có kinh nghiệm xung quanh vấn đề này.

NHÀ BÁO LÊ QUỐC MINH
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC TTXVN:

Cần sự đầu tư để có các bình luận chất lượng

Đóng phần bình luận dưới các bài viết không phải là một quyết định nhẹ nhàng và dễ đưa ra. Trong khi nhiều tờ báo đã có tên tuổi vẫn đang băn khoăn về việc có nên đóng phần bình luận dưới bài viết hay không, một số công ty truyền thông mới như Vox đã quyết định ngay từ đầu rằng họ sẽ không cho phép độc giả bình luận vào các bài viết. Các trang tin như Quartz lại chọn phương thức khác, khi cho phép người dùng được tạo ra các “chú thích” liên quan tới những đoạn nội dung cụ thể của bài viết. Ý tưởng dựa trên việc các tờ báo ra đời trong thế kỷ 17 và 18 thường để lại những khoảng trống để độc giả bày tỏ suy nghĩ của họ.

Có thể thấy, truyền thông xã hội đang ngày càng được nhiều tờ báo ưa chuộng, như là nơi thúc đẩy tranh luận quanh các tác phẩm báo chí. Vì nhiều lý do, gồm tài chính, nhân lực và thời gian không cho phép, các tờ báo đã lựa chọn những nền tảng truyền thông xã hội đông người dùng như Facebook bởi chúng dễ quản lý và mang tới cơ hội tiếp cận một lượng độc giả rộng hơn, đa dạng hơn.

Tuy nhiên các nền tảng này không xuất hiện như giải pháp tối ưu nhất để tạo ra một không gian sống động, chứa đựng sự tôn trọng và xây dựng, nơi độc giả và nhà báo có thể kết nối, trao đổi với nhau. Trong khi một số tờ báo vẫn tin vào sự cần thiết của việc giữ mục bình luận dưới các bài viết, nhiều tòa soạn đã tỏ ra không hài lòng với việc họ phải mất quá nhiều công sức đầu tư, chỉ để thu được những kết quả rất đáng thất vọng. Các tòa soạn vì thế đang hy vọng những sáng kiến mới sẽ mang tới nhiều manh mối hơn về cách thức để tạo ra một sự tương tác tốt và hữu ích giữa tờ báo với độc giả.

NHÀ BÁO ĐỖ HẢI
PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ TÀI CHÍNH:

Tòa soạn phải có trách nhiệm với bình luận của độc giả

Hiện nay, việc độc giả tham gia bình luận (comment) trên báo điện tử ngày càng phổ biến. Nhiều tờ báo lớn xem đây là một kênh tương tác hữu hiệu quan trọng, giúp bạn đọc gần gũi hơn với tờ báo, để họ được nêu lên quan điểm ý kiến cũng như là một nguồn cung cấp thông tin cho báo chí. Nhưng nếu không cân nhắc và kiểm soát một cách cẩn trọng từ khâu lựa chọn, biên tập trước khi hiển thị cho độc giả thấy, nó giống như “con dao hai lưỡi”.

Việc quản lý bình luận trên báo điện tử và các fanpage của các báo hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, phức tạp, bởi bên cạnh những bình luận mang tính khách quan, góp ý còn có rất nhiều bình luận cực đoan, hàm ý công kích hay cố tình đưa những thông tin sai lệch nhằm chống phá. Vì vậy, nếu không duyệt kỹ, thiếu cân nhắc và không cẩn trọng, những bình luận, nhận xét như vậy khi được duyệt đăng có thể rắc rối cho tòa soạn. Khi tòa soạn duyệt cho đăng bình luận, coi như đó là quan điểm của tòa soạn và phải chịu trách nhiệm với bình luận đó.

Thực tế thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã bị cơ quan quản lý báo chí nhắc nhở, xử lý vì đã cho đăng những bình luận của độc giả mang tính xuyên tạc, sai sự thật. Chúng ta phải nhớ rằng, mọi nội dung xuất hiện trên bất kỳ ấn phẩm nào, dưới hình thức nào của cơ quan báo chí đều thuộc sự quản lý của cơ quan báo chí đó. Chính vì vậy, cơ quan báo chí phải có trách nhiệm kiểm soát nội dung trước khi xuất bản, kể cả các nhận xét của bạn đọc. Nếu cơ quan báo chí cho đăng tải những thông tin không đúng sự thật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, đơn vị, thì cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm đối với hành vi đó.

NHÀ BÁO NGUYỄN TƯỜNG QUÂN
TRƯỞNG BAN ĐIỆN TỬ TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐÔ THỊ VIỆT NAM:

Xây dựng nguồn nhân lực để loại bỏ những bình luận xấu, độc

Những bình luận của độc giả dưới các tin, bài trên báo điện tử cũng đã trở thành một kênh tương tác hữu hiệu giữa các tòa soạn điện tử với người đọc. Có nhiều bình luận hay, thú vị, khách quan thậm chí còn có rất nhiều giá trị thông tin, có thể gợi mở thành những đề tài mới cho các tòa soạn.

Song bên cạnh đó vẫn có không ít những nhận xét, bình luận mang tính chất phiến diện, có ý công kích hay thậm chí là những thông tin mang tính chất sai lệch. Chính vì vậy, người đứng đầu cơ quan báo chí và nhất là các cá nhân được giao trực tiếp quản trị, điều hành fanpage hay mục bình luận phải nâng cao trách nhiệm, thực hiện yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, kiểm soát và quản lý chặt chẽ nội dung trước khi xuất bản, kể cả là các nhận xét của bạn đọc. Các cơ quan báo chí cần tự ban hành các quy trình và biện pháp kỹ thuật để xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, việc kiểm soát bình luận trên mặt báo hay trên fanpage là một việc không phải dễ dàng gì, mang lại nhiều rủi ro, chi phí tốn kém.

Thông thường các báo điện tử ở Việt Nam thường giao cho đội ngũ thư ký tòa soạn hoặc biên tập viên phụ trách mục đó duyệt các bình luận của độc giả ở mỗi bài viết khi được xuất bản. Tuy nhiên, số lượng bình luận cũng như người tham gia bình luận là rất nhiều, một mình thư ký tòa soạn hay biên tập viên có những lúc nhiều việc không thể kiểm soát hết được, việc để lọt những bình luận không hữu ích, bất lợi cho tòa soạn hay những bình luận có thông tin sai sự thật rất dễ xảy ra. Để kiểm soát được việc này, tạo ra môi trường tương tác lành mạnh, hiệu quả, bản thân mỗi tờ báo cần có sự đầu tư lớn về đội ngũ nhân sự. Nguồn lực con người chính là yếu tố quyết định, còn phát triển công nghệ hiện đại chính là công cụ hỗ trợ cho việc quản lý được dễ dàng, nhanh chóng và chính xác, đồng thời bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí không vượt khỏi khuôn khổ pháp luật

Hoàng Lâm - Tuệ Lâm

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/khong-de-binh-luan-tren-bao-dien-tu-thanh-noi-kich-dong-xuyen-tac-sai-su-that-n7909.html