Không để bị động, bất ngờ trước thiên tai

Năm 2020 được các cơ quan chuyên môn dự báo sẽ là năm nắng nóng kỷ lục, thiên tai khốc liệt và phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là thời điểm này, khi mùa mưa bão đã bắt đầu. Đối phó với những diễn biến có thể xảy ra, tỉnh, các địa phương đã chuẩn bị nhiều biện pháp chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ trước thiên tai.

TX Đông Triều đang đẩy nhanh tiến độ thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đê sông Hồng Phong.

TX Đông Triều đang đẩy nhanh tiến độ thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đê sông Hồng Phong.

Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO nghiêng về pha nóng, năm nay sẽ là năm nắng nóng kỷ lục, thiên tai khốc liệt, phức tạp. Mùa mưa bão trên khu vực Biển Đông có xu hướng sẽ hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Mới đây nhất, ngay sau một đợt nắng nóng kéo dài, cơn bão số 1 đã hình thành và đi vào Biển Đông, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 12 vào thời điểm bão mạnh nhất. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh nhưng cơn bão số 1 nối với rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ và kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao đã gây mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to và dông trên địa bàn tỉnh, lượng mưa phổ biến 30-50mm/24h, có nơi trên 50mm/24h, cảnh báo nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất.

Với tinh thần chủ động đối phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết, triển khai các biện pháp PCTT-TKCN, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân do mưa dông, bão gió, úng lụt, sạt lở đất đá, lún sụt đất và các sự cố do thiên tai gây ra, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát các khu dân cư sống trong vùng đồi, núi, ven sông, suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp, ven các bãi thải khai thác khoáng sản để chủ động những biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa lũ, úng lụt có thể xảy ra.

Trong đó, tập trung vào công tác nạo vét khơi thông cống rãnh, dòng chảy, củng cố, chằng chống nhà cửa… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng khắc phục yếu điểm, đảm bảo an toàn tại các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, lún sụt đất và vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ xảy ra sự cố phải thực hiện biện pháp sơ tán dân.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các địa phương, sở, ngành của tỉnh cũng đã và đang tích cực rà soát, kiểm tra, gia cố, nâng cấp các công trình phòng chống lụt bão, đặc biệt là các tuyến đê xung yếu trên toàn địa bàn tỉnh. Điển hình trong đó là tuyến đê biển Hà Nam (TX Quảng Yên) - một trong những tuyến đê quan trọng nhất của tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp các vị trí xung yếu, hoàn thành từ đầu năm 2020, đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống mưa bão. Hay dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) được khởi công cuối năm 2018, nâng cấp trên 15km đê với 11 vị trí xung yếu đến nay đã hoàn thành 90% khối lượng công việc. Hiện các nhà thầu đang huy động trang thiết bị, máy móc kỹ thuật và nhân công đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại, phấn đấu sẽ hoàn thành toàn bộ trước cao điểm mùa mưa bão năm nay.

Còn tại TX Đông Triều - địa phương có 46km đê sông, công tác gia cố, nâng cấp đê điều cũng được quan tâm chú trọng. Trong đó, tuyến đê Hồng Phong với chiều dài hơn 7km đang được tu bổ, nâng cấp khẩn trương, hiện đã hoàn thành 75% khối lượng thi công, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2020, góp phần bảo đảm an toàn cho 14.300 nhân khẩu và 1.350ha đất sản xuất nông nghiệp của 3 phường Hồng Phong, Hưng Đạo, Đức Chính trong mùa mưa bão.

Để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước do mưa bão, trên cơ sở nhận định tình hình và kinh nghiệm rút ra sau mỗi năm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng đã và đang quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm túc quan điểm: “Nhiệm vụ phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn xã hội” và mục tiêu “Một xã hội an toàn hơn trước thiên tai". Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban Chỉ huy xác định phải tập trung, nỗ lực như: Kiện toàn Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; yêu cầu các địa phương, đơn vị huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm về PCTT, bảo vệ dân cư ổn định sản xuất; đầu tư, nâng cấp thiết bị, cơ sở vật chất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc dự báo, cảnh báo sớm, thông tin sớm về thiên tai; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn... Đồng thời, rà soát phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” một cách thực chất; lên kịch bản công tác sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân tại các vùng xung yếu, vùng trũng thấp ven sông, ven viển và chân các bãi thải mỏ, các khu vực có nguy cơ sạt lở và công tác đảm bảo an toàn ngư dân trên biển...

Minh Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/khong-de-bi-dong-bat-ngo-truoc-thien-tai-2488189/