Không để bạo lực leo thang

Việt Nam hiện có khoảng hơn 68 triệu người sử dụng internet, với 65 triệu người sử dụng mạng xã hội; trong đó, tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 30% tổng số người dùng internet, mạng xã hội.

Trong bối cảnh nội dung trên internet ngày càng gia tăng tình trạng lẫn lộn giữa “thật và giả” và tràn lan các thông tin giả mạo, xấu độc, thì việc sử dụng không gian mạng với tần suất lớn khi chưa đến tuổi trưởng thành, khiến trẻ em luôn phải đối diện không ít nguy cơ, hiểm họa.

Theo số liệu từ Bộ Công an, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng chiếm tới 50% trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm. Kết quả thăm dò của UNICEF tại Việt Nam cũng cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên internet.

Rất nhiều em có những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet như: Tiếp xúc với thông tin, hình ảnh bạo lực, tài liệu khiêu dâm; có trẻ em bị dụ dỗ tình dục qua mạng, yêu cầu gửi thông tin cá nhân... Từ đó cho thấy, những nguy cơ trẻ em phải đối mặt khi sử dụng internet, mạng xã hội đã ngày càng nguy hiểm, phức tạp.

Không thể phủ nhận ứng dụng internet đã hỗ trợ hữu ích trẻ em trong học tập, giao tiếp, sinh hoạt, vui chơi. Nhưng cũng từ đây xuất hiện những nguy cơ trẻ em thường gặp như: Tiếp cận với quá nhiều thông tin giả; dễ dàng bị bắt nạt qua mạng; lộ thông tin cá nhân; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; dễ truy cập vào trang có thông tin xấu độc, hoặc nội dung nguy hại (lừa đảo, cờ bạc, cá độ, mê tín dị đoan...) được gửi kèm hoặc hiển thị trong các phần mềm chơi game, xem phim.

Sau những hành động ngông cuồng, bất chấp luật pháp của những “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc... bị loại bỏ, gần đây, các bậc phụ huynh thực sự phẫn nộ, bất bình khi trên YouTube, Facebook liên tục xuất hiện các clip đầy tính bạo lực ở lứa tuổi học sinh như: Lột đồ, trùm đầu, đánh đập, chôn sống nạn nhân...

Thực tế, hậu quả của những clip chứa nội dung bạo lực, độc hại lan truyền trên mạng xã hội trong một thời gian dài đã tiêm nhiễm vào một bộ phận giới trẻ và dần lộ rõ qua những hành vi bạo lực, hành vi phạm tội của giới trẻ hiện nay ngày càng giống trong phim ảnh, video clip, trò chơi mang tính bạo lực, khiêu dâm phát tán trên các nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, tội phạm ngày càng lộng hành và công khai, khi vừa thực hiện hành vi phạm tội vừa livestream, quay clip đăng tải lên mạng xã hội, như thách thức pháp luật.

Các chuyên gia cảnh báo, xâm hại trẻ em trên không gian mạng gây tổn thương sâu sắc và để lại những hệ lụy lớn cho trẻ. Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ em được bảo vệ bởi gia đình, người thân, nhà trường, các trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em, cơ quan bảo vệ pháp luật... Tuy nhiên, trên môi trường mạng riêng tư, ít bị giám sát hơn, gia đình, cha mẹ khó bảo vệ con em hơn.

Chúng ta đã có nhiều nỗ lực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhưng hiện vẫn còn thiếu thiết chế để bảo vệ trẻ em. Theo nhiều chuyên gia, tạo những “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cần phải làm ngay.

Một trong biện pháp cấp thiết là xây dựng thêm hành lang pháp lý và chính sách nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiệu quả, chế tài xử lý nghiêm minh hơn các loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Ðồng thời, các doanh nghiệp viễn thông, internet phải tăng cường trách nhiệm trong việc ngăn chặn chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung nguy hại, xâm phạm trẻ em.

Ngoài ra, vai trò của trẻ em cũng cần được đề cao. Các em cần được trang bị các kiến thức về sử dụng internet an toàn. Sự chung sức của cả cộng đồng, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, và sự chủ động của chính trẻ em sẽ giúp thiết lập một môi trường lành mạnh ngoài đời cũng như trên không gian mạng, giúp trẻ em phát triển toàn diện.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-de-bao-luc-leo-thang-post438613.html