Không để ai bị bỏ lại phía sau

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, trong những năm qua, T.P Thái Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ các nguồn hỗ trợ, đời sống các hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để trồng rừng, gia đình bà Phạm Thị Nhuận, xóm Gò Chè, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để trồng rừng, gia đình bà Phạm Thị Nhuận, xóm Gò Chè, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) đã vươn lên thoát nghèo.

Trong ngôi nhà vừa xây còn thơm mùi sơn mới, bà Phạm Thị Nhuận, xóm Gò Chè, xã Huống Thượng phấn khởi nói với chúng tôi: “Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, những năm trước gia thuộc diện hộ nghèo, nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và làm được căn nhà mới khang trang. Còn gia đình chị Lê Thanh Thủy, tổ 9, phường Tân Long thuộc diện hộ nghèo cũng vừa được Điện lực T.P Thái Nguyên hỗ trợ ngày công, kinh phí để sửa chữa, lắp lại thiết bị điện đảm bảo an toàn.

Những năm qua, T.P Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo hiệu quả. Điển hình như Dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản (năm 2018) tại 3 xã: Sơn Cẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 600 triệu đồng; năm 2019, thực hiện mô hình trồng trám tại xã Phúc Hà, Phúc Trìu, với kinh phí hỗ trợ dự án 190 triệu đồng; năm 2020, thực hiện mô hình nuôi gà ri lai an toàn sinh học và nuôi gà hồ lai thương phẩm thả vườn tại 6 xã: Cao Ngạn, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Hà, Thịnh Đức, Tân Cương, với kinh phí hỗ trợ 340 triệu đồng... Bên cạnh đó, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.128 lượt hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được vay vốn, với tổng doanh số cho vay gần 48 tỷ đồng.

Hàng năm, thành phố đều tiến hành rà soát, phân tích các hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Nước sạch sinh hoạt và dịch vụ viễn thông, điện để có kế hoạch và biện pháp hỗ trợ. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hỗ trợ xóa 629 nhà dột nát, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 8,4 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ làm nhà mới 146 hộ, sửa chữa 483 hộ. Điều đáng quý, ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố, địa phương còn vận động cộng đồng, dòng họ và gia đình ủng hộ giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà dột nát.

Có thể thấy, nhờ tích cực trong công tác giảm nghèo, T.P Thái Nguyên đã thu được kết quả đáng khích lệ trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Nếu như ở thời điểm tháng 10-2017 (thời điểm sáp nhập 5 xã, thị trấn: Sơn Cẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên, Chùa Hang về thành phố) địa phương có tới 1.643 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2.02%; 1.097 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,35% thì đến năm 2020 toàn thành phố chỉ còn 592 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,7%; hộ cận nghèo còn 714 hộ, chiếm tỷ lệ 0,82% (theo quy định chuẩn nghèo cũ).

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho hay: Nhằm tiếp tục giảm nghèo bền vững, địa phương sẽ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, như: Xây mới, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh; hỗ trợ cho vay vốn đầu tư sản xuất đối với hộ nghèo, cận nghèo; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm và dạy nghề giúp con em hộ nghèo, cận nghèo có công việc ổn định, tăng thu nhập. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của T.P Thái Nguyên trong giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,9%; hộ cận nghèo xuống còn 1,0% (theo quy định chuẩn mới giai đoạn 2022-2025).

Sông Hương

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-278828-108.html