'Không dạy ngoài sách giáo khoa' là quan niệm đã thâm căn cố đế, cần thay đổi

Nếu chia sách giáo khoa theo bài và quy định nội dung từng bài học thì sẽ làm khó giáo viên trong dạy học, vô tình trói buộc giáo viên vào lối tư duy cũ.

Suốt cả một thời gian dài quan điểm “sách giáo khoa là pháp lệnh” đã ăn sâu vào đời sống, môi trường giáo dục phổ thông. Nó mạnh đến mức nếu ai đó làm khác (tùy mức độ) thì chắc chắn tiết dạy ấy sẽ không được xếp loại tốt thậm chí còn không được xếp đạt yêu cầu.

Năm 2017 Bộ Giáo dục còn ban hành công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10, yêu cầu các sở nhắc nhở giáo viên, “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”, từng một thời gây sóng gió dư luận.

Đến bao giờ thì giáo viên dạy sẽ không còn lệ thuộc vào sách giáo khoa? (Ảnh minh họa VOV)

Đến bao giờ thì giáo viên dạy sẽ không còn lệ thuộc vào sách giáo khoa? (Ảnh minh họa VOV)

Để rồi, cứ mỗi khi một thầy cô giáo nào đó muốn có cách dạy sáng tạo hơn những thiết kế trong sách giáo khoa hay muốn đưa thêm một số tư liệu vào thay thế những điều đã viết trong sách đều không dám vượt qua “bức tường thành” vững chắc ấy.

Cho đến dăm năm trở lại đây, ngành giáo dục bắt thay đổi quan điểm từ chỗ "sách giáo khoa là pháp lệnh” thành “chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh”, quan điểm này được cụ thể hóa khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019.

Kể từ đó, về mặt nguyên tắc giáo viên được phép linh động hơn trong việc dạy học, nhưng trong thực tế giảng dạy của chính chúng tôi, những người trong cuộc, cũng chỉ được dừng lại ở việc được chủ động phân chia các hoạt động trong một bài (thường đối với bài 2 tiết).

Ví như, bài dạy 2 tiết, tiết 1 có thể dạy ít hơn hoặc nhiều hơn các hoạt động tùy trình độ học sinh trong lớp. Nếu tiết 2 không thể dạy hết các hoạt động còn lại có thể để vào tiết bổ sung buổi chiều.

Còn việc thay đổi các ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa thì gần như giáo viên chúng tôi chưa dám làm vì cũng không được bộ phận quản lý chuyên môn trường cho phép. Giáo viên khi dạy vẫn phải bám vào sách giáo khoa và làm theo hướng dẫn trong ấy dù đôi khi thấy chưa thật sự hợp lý.

Luật Giáo dục vẫn nằm ở đâu đấy, chương trình mới vẫn nằm ở đâu đấy, chưa thực sự đi vào đời sống học đường.

Ví như những dạng bài để hình thành bảng cộng, bảng trừ (sách toán lớp 2), sách giáo khoa hướng dẫn quy trình hình thành kiến thức mới là giáo viên và học sinh phải dùng que tính.

Trong thực tế khi dạy, giáo viên cho biết mình có nhiều cách để học sinh hình thành bảng cộng vừa nhanh lại hiệu quả hơn. Thế nhưng lại không dám thực hiện vì khi dự giờ sẽ bị bắt bẻ.

Và rồi, giáo viên nào cũng dạy như nhau theo một khuôn mà sách giáo khoa hướng dẫn. Chỉ là 9+2 học sinh đã nhẩm ngay ra kết quả nhưng thầy cô vẫn phải dùng que tính để thao tác trên bảng và bắt các em phải thực hành bằng que tính để cho đúng quy trình.

Nhà trường vẫn quản lý giáo viên theo từng bài dạy và kiểm tra đánh giá năng lực giáo viên cũng căn cứ vào một số tiết dạy cụ thể. Khi góp ý, người ta cũng chỉ bám vào sách giáo khoa xem giáo viên có triển khai hết ngữ liệu của bài? Có đi đúng như hướng dẫn dạy? mà ít quan tâm đến việc học sinh đã đạt được những gì sau tiết học ấy.

Ai cho giáo viên đổi mới, chỉ bám chương trình và thoát ly sách giáo khoa?

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh tác giả chương trình tổng thể, tác giả môn Khoa học tự nhiên, Chủ biên môn Vật lý nhận định: “Nội dung bài học nặng hay nhẹ là hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên, bởi giáo viên có quyền tổ chức phương án, hoạt động dạy học sao cho phù hợp với năng lực học sinh cũng như điều kiện của trường lớp”.

Chương trình mới khó thành công nếu giáo viên vẫn lệ thuộc vào sách giáo khoa

Giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác.

Trên thực tế, sách giáo khoa chỉ là một trong những phương án dạy học. Nếu nội dung bài học trong sách giáo khoa chưa phù hợp, giáo viên có thể tìm tư liệu dạy học ở những nguồn tài liệu khác nhau.

Giáo viên có quyền phân bố nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi lớp, mỗi trường, mỗi địa phương.

Ví dụ đối với môn Tiếng Việt 1, dù sách giáo khoa phân chia thành bài, quy định mỗi tiết dạy bao nhiêu vần thì giáo viên cũng phải dạy học theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học.

Nếu năng lực học sinh yếu thì có thể giảm số lượng vần cần học trong một tiết. Với những lớp năng lực học sinh giỏi, tiếp thu nhanh, có thể dạy học nhiều âm vần hơn. Điều quan trọng là sau khi hoàn thành chương trình Tiếng Việt 1, học sinh đều đạt được các yêu cầu đã được quy định trong chương trình môn học. [1]

Nói về lý và về luật, thầy Khánh không sai. Nhưng tiếc rằng thầy Khánh không phải là người quản lý trực tiếp đội ngũ giáo viên ở cơ sở.

Nói là trao quyền cho giáo viên như quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác. Nếu năng lực học sinh yếu thì có thể giảm số lượng vần cần học trong một tiết. Với những lớp năng lực học sinh giỏi, tiếp thu nhanh, có thể dạy học nhiều âm vần hơn…Đó là lý thuyết.

Giáo viên chưa đạt chuẩn lo lắng không được dạy chương trình mới

Còn thực tế, khi bộ phận quản lý chuyên môn đã ấn định thời gian cho từng giai đoạn (hàng tuần, giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm) học kỳ phải hoàn thành chương trình.

Và đề kiểm tra cũng được ra cho toàn khối đúng vào thời điểm ấy. Khi đó, lớp A. học chưa hết chương trình, các em sẽ làm bài kiểm tra thế nào và giáo viên A. sẽ phải dạy các em tiếp theo vào thời gian nào sau đó?

Bao nhiêu năm nay, dạy bài nào, nội dung gì và kiểm tra kiến thức nào, kiểm tra ngày nào thì cũng phải "đồng thời", “đồng phục” cả khối như nhau. Nay, luật cho giáo viên quyền chủ động nhưng tư duy của người quản lý chuyên môn nhà trường không thay đổi thì liệu các thầy cô giáo có dám tự đổi mới không?

Cần thay đổi tư duy của nhà quản lý

Giao quyền chủ động cho giáo viên nhưng mới chỉ trên lý thuyết, điều cần thay đổi lúc này là cách quản lý chuyên môn hiện nay ở nhiều trường học. Khi tư duy của nhà quản lý thay đổi đương nhiên giáo viên cũng sẽ thay đổi.

Có thể nói, tư duy lệ thuộc vào sách giáo khoa đã ăn sâu, bén rễ trong giáo dục từ lâu. Bởi thế, để cởi bỏ tư duy này trong chương trình mới là việc làm cần thiết nhất hiện nay.

Tuy thế, cũng không hề đơn giản vì ngoài việc thay đổi tư duy của cán bộ quản lý, của giáo viên thì Bộ Giáo dục cũng cần thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá giáo viên, học sinh theo tiết dạy như hiện nay.

Trường học nào hiện nay chuyên môn cũng đang quản lý, đánh giá giáo viên theo cách của 20 năm về trước. Đó là việc quy định thời gian kết thúc chương trình ở từng giai đoạn trong cùng một khối, thời lượng cho từng tiết học. Điều này, vẫn vô tình trói buộc giáo viên vào những bài học và nội dung tiết học cụ thể.

Bên cạnh đó, chuyên môn nhà trường luôn kiểm tra để đánh giá giáo viên qua từng bài dạy cụ thể trong sách giáo khoa mà không chú trọng đến kết quả đạt được của học sinh sau mỗi chủ đề, sau mỗi năm học, cấp học.

Qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi chỉ mới nghe đến chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới, mà hoàn toàn chưa nghe đến công cụ / phương pháp đánh giá mới.

Chương trình mới, sách giáo khoa mới mà cách kiểm tra đánh giá vẫn như cũ, e rằng thày và trò còn rất lâu mới có thể thoát ly sách giáo khoa để bám theo chuẩn đầu ra của chương trình trong dạy và học. Quý thầy biên soạn chương trình, lãnh đạo Bộ Giáo dục nghĩ sao về điều này?

Đổ hết trách nhiệm lên đội ngũ giáo viên thì rất dễ, hoàn thiện cơ chế chính sách, khung pháp lý, công tác tập huấn, công cụ đánh giá chất lượng giáo dục và đội ngũ giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới, mới khó.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuong-trinh-moi-kho-thanh-cong-neu-giao-vien-van-le-thuoc-vao-sach-giao-khoa-post213408.gd[1]

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-day-ngoai-sach-giao-khoa-la-quan-niem-da-tham-can-co-de-can-thay-doi-post213428.gd