Không đánh đổi tính mạng để duy trì 'cà phê đường tàu'

Nhiều ý kiến tiếc nuối vì 'cà phê đường tàu' dường như đã trở thành thương hiệu của TP Hà Nội.

Bộ GTVT vừa kiến nghị "khai tử" các tụ điểm cà phê đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội vì vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Trong đó có nguyên nhân do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, uống cà phê trong lòng đường sắt gây nguy hiểm.

Ông Dương Quốc Tuấn, phụ trách công tác đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý khu vực “cà phê đường tàu” đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.

. Phóng viên: Thưa ông,“Cà phê đường tàu” hình thành từ khi nào và tại sao đơn vị lại tham mưu “xóa” các quán cà phê này?

+ ÔngDương Quốc Tuấn:Từ cuối năm 2017, ở phường Cửa Đông, Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) bắt đầu xuất hiện “cà phê đường tàu”. Tiếp đó, xuất hiện ở phường Khâm Thiên, Văn Miếu (quận Đống Đa)…

Từ giữa năm 2018, các công ty du lịch bắt đầu dẫn du khách nước ngoài đến trải nghiệm cảnh mạo hiểm với tiêu chí “chưa đến phố đường tàu là chưa ghé Hà Nội”.

Thấy du khách tới đông, nhiều người dân cạnh khu vực đường tàu đã mở quán cà phê bất chấp cảnh báo nguy hiểm. Đặc biệt, gần đây từ 14 giờ đến 23 giờ 30 hằng ngày, sinh viên, khách du lịch rất đông, họ ngồi sát và thậm chí ra giữa đường ray uống cà phê. Khi tàu đến, họ đứng sát để quay phim, chụp ảnh.

. Các chủ quán khẳng định họ biết được giờ tàu chạy và rất chủ động cảnh báo cho khách thưa ông?

. Các chủ quán khẳng định họ biết được giờ tàu chạy và rất chủ động cảnh báo cho khách thưa ông?

+ Lịch tàu khách có khung giờ nhưng không phải lúc nào cũng chính xác 100% để các quán dọn đi hay cảnh báo du khách. Còn tàu hàng thì không có lịch trình cụ thể, khi "trống" đường sẽ có lệnh chạy và chỉ biết trước khoảng 15 phút. Bên cạnh đó, khu vực “cà phê đường tàu” rất hẹp, tôi chứng kiến nhiều du khách phải co mình lại và nép sát vào tường mỗi khi tàu chạy qua.

. Các chuyên gia cho rằng cần phải tìm biện pháp hài hòa, giữ nét độc đáo “cà phê đường tàu”, bởi cấm cũng rất khó?

+ Chúng tôi thừa nhận là khó nhưng phải cấm!

Theo quy định chỉ giới đảm bảo an toàn công trình đường sắt là 8,6 m tính từ mép đường ray ngoài cùng. Tuy nhiên, khu vực “cà phê đường tàu” do tính lịch sử nên hai bên nhà dân chỉ cách mép ray ngoài cùng 1,8-2,3 m. Khi tàu chạy qua khoảng không còn lại rất ít, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông, nguy cơ tai nạn rất cao. Việc lấn chiếm mở quán hết sức nguy hiểm, nên phải giữ nguyên hiện trạng theo quy định pháp luật.

Vừa qua, nữ du khách Canada bị nạn vì lúc tàu đến trên vai đeo balo chưa kịp tháo ra để nép vào tường. Việc giải tán các quán cà phê này là để bảo vệ an toàn cho người dân và du khách. Tôi nhận thấy không thể hài hòa để đánh đổi tính mạng như vậy được.

. Sau khi Bộ GTVT có chỉ đạo đơn vị đã làm việc với TP Hà Nội chưa?

+ Chúng tôi đã làm việc với quận Hoàn Kiếm. Cuộc họp do ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch quận, chủ trì. Tại đây, ông Long yêu cầu rà soát các hộ dân khu vực dọc đường tàu, hộ nào được cấp giấy phép kinh doanh cà phê phải thu hồi giấy phép.

Công an quận Hoàn Kiếm đề xuất lập hàng rào nhưng khu vực trên không thể rào chắn vì nhà dân quá sát đường tàu. Đặc biệt, pháp luật quy định phạm vi bảo vệ công trình là 5,6 m tính từ mép đường ray ngoài cùng, nếu lắp hàng rào vừa nguy hiểm lại sai quy định. Sau cuộc họp, chúng tôi thống nhất các biện pháp theo chỉ đạo phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm.

. Xin cám ơn ông.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/khong-danh-doi-tinh-mang-de-duy-tri-ca-phe-duong-tau-862578.html