Mang yêu thương khỏa lấp đau thương

Vì dân để mang yêu thương khỏa lấp đau thương, theo đó, yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì dân càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, khi năm 2021 ghi nhận thêm nhiều cảnh đời cơ cực bởi đại dịch và số người dân qua đời nhiều nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh năm 1975.

Ngay lập tức phải trả giá

Những ngày cuối cùng của năm 2021, dư luận đón nhận thông tin cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến để điều tra vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Kit xét nghiệm loạn giá là câu chuyện rất nóng ở nghị trường tại Kỳ họp Quốc hội (QH) diễn ra vào tháng trước. Thậm chí đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã phải thốt lên “rất tội nghiệp cho dân”, khi nói về sự chịu đựng của người dân trước cơn nhiễu nhương này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các cháu bé thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 13/12/2021.

Vào thời điểm cách đây 6 tháng, Tòa án Nhân dân cấp cao TP. Hà Nội cũng đã đưa ra xét xử phúc thẩm cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng các đồng phạm trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế… Thời Covid-19, với những khoảnh khắc “nước sôi lửa bỏng” khi dịch bệnh lan rộng khắp nơi, với những quyết định gấp rút được đưa ra, với những giải pháp thần tốc được thực hiện, nhưng không phải vì thế mà lợi dụng để “đục nước béo cò”, chà đạp lên sức chịu đựng của nhân dân. Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói thẳng trước Quốc hội (QH) hồi tháng 11 rằng, những tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian vừa qua không phải do cơ chế cũng không phải do tình thế cấp bách nên buộc phải sai phạm, mà tất cả là do cá nhân cố tình phạm pháp để trục lợi.

Làm loạn giá gần như ngay lập tức đã phải trả giá. Bởi một nhà nước vì dân trước hết phải là một nhà nước thượng tôn pháp luật. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì hội nghị của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 11/12/2021 đã chỉ rõ, điểm nổi bật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII là sự nhất quán tư tưởng “thượng tôn pháp luật”.

Những phần quà dù nhỏ nhưng là niềm động viên khích lệ kịp thời đối với người dân khó khăn trong những ngày dịch dã.

Theo Chủ tịch nước, có đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, song hành cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất thì mới trở thành động lực mạnh mẽ để xây dựng xã hội lành mạnh, kỷ cương và hiện thực hóa được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thượng tôn pháp luật để đảm bảo được công lý và lẽ phải, đảm bảo công bằng cho mọi người dân. Thượng tôn pháp luật chính là một trong những cách tốt nhất thể hiện tình yêu thương dân.

Không thể là cơ hội “đùa”

Đại dịch không thể là cơ hội để “đùa” với pháp luật cũng như coi thường pháp luật. Thậm chí, dù có cố lập công chống “giặc” thì cũng không thể trốn tội. Vào mùa thu năm ngoái, dư luận gặp phen chấn động khi một “võ tướng” được xem là rất năng nổ, dũng mãnh trên mặt trận chống Covid-19 mà vẫn bị tước bỏ “áo, mũ” để chuẩn bị hầu tòa, mặc dù thời điểm đó Covid-19 đang bủa vây và cả nền kinh tế lao đao vì nó.

Sự quan tâm đặc biệt

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tháng 5/2021, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, gồm 21 thành viên, trong đó có 9 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban chỉ đạo. 3 phó trưởng ban gồm: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được coi là một trong những điểm mới rất đặc sắc của nhiệm kỳ Đại hội XIII. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được Đảng dành sự quan tâm đặc biệt, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Đó là việc ngày 11/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông này trong một số vụ án. Còn trước đó tròn một tháng, ngày 11/7/2020, Thủ tướng ký quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, do đã có hành vi vi phạm pháp luật trong công tác. Hiện cả hai ông này đều đã nhận những phán quyết nghiêm khắc của tòa án.

Chính phủ phát đi thông điệp Covid-19 không thể bẻ gãy ý chí phát triển kinh tế cũng như không thể lay chuyển ý chí làm trong sạch bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương. Mọi cán bộ trong bộ máy chính quyền đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Và chính ý chí này đã góp phần quan trọng đưa cuộc chiến chống đại dịch năm 2020 kết thúc trong trật tự, quy củ, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân đồng thuận với các giải pháp chống dịch của chính quyền cao nhất trên thế giới. Bởi, ý chí đó đã mang đến cho người dân niềm tin và sự tôn trọng về một chính quyền thượng tôn pháp luật và luôn có khả năng đảm bảo công lý, công bằng cho người dân trong mọi hoàn cảnh.

Năm 2021, trong làn sóng Covid-19 thứ 4 quần thảo dữ dội, công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN được tiến hành khẩn trương chưa từng có. Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với trưởng ban là Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH là các phó trưởng ban đã và đang huy động được cả hệ thống chính trị tham gia nghiên cứu tổng kết, đề xuất cho các nội dung 27 chuyên đề của đề án.

Thần linh pháp quyền

Hơn 5 năm trước, ngày 26/7/2016, vấn đề đầu tiên được nêu trong bài phát biểu nhậm chức trước trước Quốc hội (QH), đồng bào và cử tri cả nước ngay sau khi được QH tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương” và “khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”. Khi đó, ông nhắc việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ XV, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: “Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước ta, và các ngươi phải cùng tuân theo”. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã từng viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Mấy ngày sau, phát biểu khai mạc phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa 2016 - 2021, ngày 2/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Chính phủ khóa mới sẽ là một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Xuyên suốt cả nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu liêm chính, kiến tạo, hành động, như quả quyết của Thủ tướng: “không phải chỉ nói bằng miệng mà phải hành động, mà hành động đó không phải là chỉ ở trung ương mà cả ở địa phương, nhất là các cấp chính quyền cơ sở”.

5 năm sau, tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng quyết nghị nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo”. Tinh thần “thượng tôn pháp luật” được Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh ở nhiều nội dung như trong định hướng phát triển đất nước, so với Đại hội XII, Đại hội XIII đã bổ sung thêm mối quan hệ lớn cần nắm vững và xử lý tốt là “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mang-yeu-thuong-khoa-lap-dau-thuong-97594.html