'Không dám tưởng tượng nếu có ca Covid-19 trong biển người ở Vũng Tàu'

'Nhìn hình ảnh biển người tại nhiều nơi như Vũng Tàu, Đà Lạt trong ngày đầu nghỉ lễ, tôi quá lo', bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ với Zing.

Các chuyên gia cho biết giữa bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện và có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng, việc tụ tập đông người, không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch tương tự "tiếp tay" cho virus càng lan xa hơn.

Không thể đảm bảo 5K

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết thời điểm này là lúc người dân cần cảnh giác và tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K của Bộ Y tế gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế - không tập trung.

"Với sự đông đúc như vậy, thông điệp 5K hoàn toàn không thể đảm bảo. Một số tỉnh như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên và xa hơn là TP.HCM đã ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng mà ca chỉ điểm lại chưa rõ ràng nguồn lây. Nhìn những ảnh này, tôi vô cùng lo lắng, không dám tưởng tượng nếu có ca mắc Covid-19 trong biển người ở Vũng Tàu, Đà Lạt hay các điểm du lịch khác. Chỉ một ca nhiễm thôi cũng khiến ngành y tế và cả hệ thống lao đao", bác sĩ Khanh nhận định.

 Bãi biển Vũng Tàu ken đặc người tắm biển trưa 1/5. Ảnh: Duy Hiệu.

Bãi biển Vũng Tàu ken đặc người tắm biển trưa 1/5. Ảnh: Duy Hiệu.

Chuyên gia này cho biết đến nay hai con đường lây nhiễm chính của SARS-CoV-2 là hô hấp thông qua tiếp xúc giọt bắn từ người mang virus và tiếp xúc virus bám trên các bề mặt hoặc lơ lửng trong không gian kín, chật hẹp.

Sau hơn một năm SARS-CoV-2 xuất hiện và gây đại dịch khắp thế giới, bản chất lây nhiễm của chúng không thay đổi dù có hàng loạt biến chủng. Do đó, chỉ cần xuất hiện một người mang virus trong cộng đồng không được phát hiện, virus có thể được phát tán khắp nơi, lây nhiễm cho hàng loạt người tiếp xúc.

Bác sĩ Khanh cho biết các địa phương cần thận trọng với người mới đi tắm biển hoặc đến những địa điểm du lịch đông đúc. Khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc, những người đến các khu vực tập trung đông đúc đều có thể là nhóm nguy cơ cao hàng đầu.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết đến sáng 1/5, Hà Nội cơ bản đã điều tra hết các trường hợp liên quan. Tuy nhiên, vị lãnh đạo bày tỏ lo lắng về ổ dịch mới bùng phát do hơn 20 F1 đã trở về quê trong dịp nghỉ lễ.

"Đừng chủ quan"

Chia sẻ với Zing, Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh sự đi lại, tập trung đông người rất nguy hiểm trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp tại Việt Nam.

"Chúng ta tuyệt đối không chủ quan vì chỉ một ca nhiễm trong cộng đồng thì sẽ rất vất vả", ông nói.

Dòng người đổ về trung tâm TP Đà Lạt trong đêm 30/4. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhấn mạnh khi lực lượng biên giới Việt Nam ngày đêm canh giữ người nhập cảnh trái phép, trong nước, tình hình cũng không khá hơn.

Vừa qua, người dân Việt Nam trải qua dịp lễ lớn trong năm như Tết của người Khmer, Giỗ tổ Hùng Vương và hiện tại là kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Những kế hoạch đi chơi trong 4 ngày nghỉ cùng các điểm tập trung đông đúc trở thành khu vực có nguy cơ rất cao.

"Bằng chứng cho sự lây nhiễm cộng đồng từ việc tập trung đông đúc là đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng ở Ấn Độ hiện tại. Nhiều chuyên gia cho rằng sự cố này một phần xuất phát từ lễ hội tắm sông Hằng của hàng triệu người. Sau đó, Ấn Độ bùng dịch và đến nay, số lượng bệnh nhân ở đất nước này gần như vượt quá sự chịu đựng của ngành y tế. Bài học này khiến Việt Nam chúng ta không thể chủ quan", bác sĩ Nam nhận định.

Chuyên gia này chia sẻ với Zing vấn đề rất đáng báo động hiện nay là người dân chủ quan hơn giai đoạn trước rất nhiều. "Đi trên đường, tôi hầu như không thấy mọi người đeo khẩu trang ở các khu vực công cộng", bác sĩ Nam nói thêm.

Các chuyên gia nhấn mạnh người dân cần chấn chỉnh lại ngay việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và tiếp xúc. Tuân thủ thông điệp 5K là biện pháp đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm nhất, trong đó quan trọng nhất là khẩu trang và không tập trung.

"Hiện tại, vaccine chưa phải là tất cả để đẩy lùi dịch. 5K vẫn là biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tốt nhất", bác sĩ Nam nói.

Ngày 29/4, Việt Nam phát hiện trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là BN2899. Người này là N.V.Đ. (28 tuổi, trú tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân), vừa hoàn tất cách ly tập trung tại TP Đà Nẵng. Sau đó, nhiều F1, F2 liên quan ca bệnh này đã được phát hiện mắc Covid-19.

Từ 29/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 13 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. 4 tỉnh, thành đang có dịch là Hà Nam (7), Hà Nội (3), Hưng Yên (2), TP.HCM (1). Các ca mắc mới này kết thúc chuỗi 34 ngày Việt Nam không ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng và song song giải trình tự gene để xác định biến chủng virus SARS-CoV-2. Theo nhận định của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch Covid-19 ở Hà Nam đã bước sang chu kỳ lây nhiễm thứ 2, tốc độ lây lan nhanh.

Bộ Y tế kêu gọi người dân hạn chế tụ tập trong dịp nghỉ lễ Bộ Y tế kêu gọi người dân không được chủ quan, lơ là, đồng thời thực hiện tốt khuyến cáo 5K trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-dam-tuong-tuong-neu-co-ca-covid-19-trong-bien-nguoi-o-vung-tau-post1210297.html