Không dám… tốt!

Tối thứ sáu, tôi đang cùng con học bài thì có điện thoại của anh trưởng phòng chính trị gọi đến:

- Em biết tuần này anh nghỉ tranh thủ. Cậu Tú ở phòng em cũng về nhà. Em nhờ anh sang nhà góp ý với cậu ấy vì dạo này em thấy Tú khác trước nhiều quá, chẳng nhiệt tình xông pha mà chỉ làm việc cầm chừng. Anh cùng quê và được cậu ấy rất nể trọng nên mong anh giúp cho…

Hôm sau, đem những điều đồng chí trưởng phòng chính trị bộc bạch đến nói chuyện với Tú, tôi bất ngờ khi Tú kể:

- Thực sự em cũng chẳng muốn mình "tiến bộ thụt lùi" như thế đâu, nhưng em làm trợ lý tuyên huấn khá lâu rồi mà mấy lần có cơ hội đi học hoặc phát triển cao hơn thì cấp ủy, chỉ huy cứ giữ em ở lại với lý do “chưa tìm được ai thay thế cậu xứng đáng”. Thành ra em cứ giậm chân tại chỗ mãi, trong khi các đồng chí trợ lý khác làm việc làng nhàng lại dễ dàng được chuyển công tác và phát triển. Tốt quá hóa thiệt anh ạ! Đó là chưa kể có đồng nghiệp còn tỏ ý không thích khi thấy em cứ tiên phong gánh vác công việc. Vì thế gần đây em chỉ làm việc bình thường thôi, không sôi nổi, hết mình như trước nữa…

Nghe Tú tâm sự, tôi vừa giận, vừa thương Tú, vừa thực sự thấy buồn vì chuyện “tốt quá… hóa thiệt”. Giận vì Tú chưa thực sự vững vàng bản lĩnh, chưa kiên định sống đúng với lương tâm và phẩm chất của mình và trách nhiệm của đảng viên, có biểu hiện tính toán thiệt-hơn nên “không tốt nữa” để không bị giữ lại làm trợ lý lâu dài nhằm dễ đi học, chuyển vị trí công tác có chức vụ cao… Còn thương vì Tú vốn là một cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt, nhưng rốt cuộc lại phát triển chậm hơn bạn bè. Bản thân Tú thiệt thòi đã đành, nhưng bố mẹ, anh chị em trong nhà và bạn hữu không biết chuyện lại nghĩ là Tú kém cỏi nên chậm tiến…

Chuyện “tốt quá… hóa thiệt” tuy không phải là phổ biến, nhưng cũng không hiếm ở các cơ quan, đơn vị, cả trong và ngoài quân đội, bởi khá nhiều thủ trưởng có tâm lý giữ nhân viên tốt ở lại, còn ai làm việc làng nhàng thì cho chuyển công tác thoải mái. Điều này sẽ dẫn đến “lợi bất cập hại”, vừa không tạo được động lực phấn đấu cho mọi người, vừa thiệt thòi cho những nhân viên tốt, dẫn đến tình trạng “không dám tốt”…

Suy cho cùng, những ai có tinh thần trách nhiệm cao và phẩm chất, năng lực tốt, dù có chậm phát triển cũng chưa hẳn là thiệt (nếu có thì chỉ là tạm thời) bởi sự tín nhiệm, uy tín mới là quan trọng hàng đầu, là nền tảng để phát triển vững chắc, lâu dài. Nhưng để tránh tình trạng “ngại tốt” như trên và động viên cấp dưới yên tâm phấn đấu thì rất mong các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cố gắng bảo đảm cho cơ quan, đơn vị mình không có kiểu “tốt quá… hóa thiệt”.

HUY QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/khong-dam-tot-613785