Không dám đi chơi trước 21h vì Hà Nội nóng đỉnh điểm

Những ngày thời tiết mát mẻ, Thanh Thúy thoải mái ra ngoài chơi từ đầu giờ tối song hiện tại, các cuộc vui của cô thường bắt đầu từ khoảng 21h để tránh cái nóng hầm hập.

“Khoảng 1 tuần nay thời tiết Hà Nội oi nóng quá, mình gần như chỉ ru rú trong nhà và làm bạn với điều hòa cả ngày. Đến bạn bè, người yêu cũng ngại hẹn gặp vì không muốn chịu cảnh nóng nực bên ngoài”, Thanh Thúy (sinh năm 2003, quận Tây Hồ) nói với Zing.

Tự nhận là người ghét mùa hè, khi miền Bắc bước vào các đợt nắng nóng hàng năm chính là thời điểm “ác mộng” với Thúy. Mỗi lần có việc ra ngoài đường, “combo” mồ hôi, tóc bết, trôi lớp trang điểm và cả tắc đường luôn khiến cô ngao ngán.

Vì vậy, khi Hà Nội bước vào đợt cao điểm nắng nóng những ngày gần đây, Thúy cố gắng hạn chế các hoạt động bên ngoài, đẩy các cuộc hẹn vào khung giờ tối.

“Ngày trước, mình hay đi hóng gió buổi tối, có thể đi sớm chút từ 19h, 20h tùy hôm nhưng dạo gần đây thì cứ sau 21h mới thấy trời bớt nóng hơn một chút. Cộng thêm giá xăng ngày một tăng khiến những buổi đi chơi như vậy ngày càng ít”.

Không chỉ Thúy, thời tiết nắng nóng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội từ 19/6 khiến cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng, từ sinh hoạt thường ngày đến vui chơi giải trí. Ai cũng cố gắng hạn chế ra đường, tìm cách làm mát để đối phó cái nắng 38-39 độ C.

 Thanh Thúy lùi giờ hẹn với bạn bè sang tối muộn để tránh nóng.

Thanh Thúy lùi giờ hẹn với bạn bè sang tối muộn để tránh nóng.

Là nhân viên một thẩm mỹ viện ở quận Cầu Giấy, Minh Hòa (sinh năm 1998, ngụ Đông Anh) mệt mỏi khi phải trải qua quãng đường xa mỗi ngày. Những ngày qua, Hòa cố gắng dậy sớm hơn mọi khi, bắt xe buýt đi làm từ 7h để tránh cái nắng đến sớm.

“Hôm nào đi muộn quá mình sẽ phải đứng đợi xe rất lâu, mệt và nóng lắm. Đến tối, mình cũng nán lại đến khoảng 19h mới bắt xe về”.

Vốn là người thích tụ tập bạn bè song mấy hôm nay, Hòa cũng ngại đi chơi hơn hẳn. Nếu có hẹn bạn, cả nhóm sẽ thống nhất chọn các quán ăn uống có điều hòa hoặc lùi giờ muộn hơn để bớt nóng.

Hòa và bạn hẹn nhau ở hàng quán có điều hòa để thoải mái ăn uống.

“Nói chung thời tiết như thế này làm gì cũng sợ, chỉ muốn ở nhà thôi”, cô cảm thán.

Tương tự, Trần Huyền (sinh năm 1996, nhân viên ngân hàng) cũng chọn cách đi làm sớm hơn bình thường, vừa tránh nắng, vừa tránh tắc đường giờ cao điểm.

Đã lâu Huyền không còn ra ngoài chơi vào ban ngày bởi thời tiết nóng nực.

“Nếu hôm nào cần gặp đối tác hay khách hàng, mình cũng chỉ dám hẹn vào sáng sớm hoặc chiều muộn để tinh thần thoải mái, minh mẫn hơn, chứ nóng quá dễ ‘tăng xông’ lắm”, Huyền chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô gái sinh năm 1996 cũng ưu tiên sử dụng ôtô hoặc bắt taxi di chuyển để tránh đổ mồ hôi, ảnh hưởng đến vẻ ngoài chỉn chu.

“Mình là người thà chịu lạnh hơn chịu nóng vì những hôm nhiệt độ cao, đi lại một chút là đổ mồ hôi, hỏng cả lớp trang điểm, trông kỳ lắm.

Nắng nóng đi chơi lúc nào cũng thấy bất tiện, dạo này mình chỉ tranh thủ đi một chút vào cuối tuần hoặc khi tối muộn cho mát”.

Là sinh viên vừa đi học vừa đi làm, Duy Hiệp (sinh năm 2002, Cao đẳng FPT Polytechnic) không thể tránh khỏi việc phải ra ngoài nhiều lần vào ban ngày. Khoảng 1 tuần trở lại đây, Hiệp luôn phải trang bị áo dài tay, khẩu trang, kính khi ra ngoài để phòng cháy nắng.

“Nền nhiệt cao, cộng thêm hiệu ứng nhà kính khiến mọi thứ kinh khủng thật sự, đi ra ngoài một lúc đã thấy mệt, giống như bị ‘nướng chín’ trong bếp lửa khổng lồ vậy. Dù mình chủ động di chuyển qua những đoạn đường có nhiều bóng râm, mọi thứ không khá hơn là bao”.

Vì vậy, ngoài những lúc cần thiết, Hiệp hạn chế ra ngoài ban ngày, việc mua thức ăn hay đồ dùng cũng được chuyển sang online hoặc chỉ chọn những điểm gần nhà, lên sẵn danh sách món sẽ mua rồi đi thật nhanh.

Nhiều cuộc trò chuyện giữa Hiệp và bạn gái thường xuyên xoay quanh chủ đề nắng nóng tại Hà Nội.

Ngày trước, nam sinh viên có thói quen đi chơi, hóng gió bên ngoài khoảng 3-4 lần/tuần. Hiện, các cuộc vui giảm xuống chỉ còn khoảng 1 lần/tuần, thời điểm hẹn cũng lùi từ 18h xuống 20h, 21h.

“Dạo này, những cuộc nói chuyện giữa mình và bạn gái cũng liên tục xoay quanh chủ đề nắng nóng. Có hôm mình đứng đợi bạn lúc 21h30-22h vẫn còn cảm thấy nực, toát cả mồ hôi”.

Theo Hiệp, ngoài hạn chế ra ngoài vào khung giờ cao điểm và nhờ đến các thiết bị làm mát, không có nhiều lựa chọn để đối phó với cái nắng gay gắt.

“Nếu thời tiết tiếp diễn như thế này, mình sẽ càng ở nhà nhiều hơn, chịu chi cho tiền điện để dùng điều hòa chứ cũng chẳng thể làm gì khác. Lạnh thì mặc thêm áo được, chứ nóng nực thì cũng không biết làm sao”.

Theo chuyên gia, đợt nắng nóng tiếp theo ở miền Bắc được dự báo tiếp diễn vào ngày 25-26/6 với cường độ xấp xỉ với đợt nóng đang diễn ra. Cao điểm nắng nóng ở Bắc Bộ có thể xảy ra từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7, trong khi miền Trung kéo dài cả tháng 7.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-dam-di-choi-truoc-21h-vi-ha-noi-nong-dinh-diem-post1328965.html