Không dài nhưng đủ vấn vương

Chưa lúc nào tôi thôi nhớ về TP này, một nơi bao dung, hào sảng. Tôi sẽ trở lại TP HCM trong cảm tình nồng ấm.

Sau những vấp ngã của cuộc đời và những biến cố khác, tôi rời TP HCM để về lại quê hương, nơi tôi sinh ra và lớn lên bên gia đình, với mong muốn chữa lành những vết thương cho chính mình. Nhưng TP HCM vẫn ở trong tôi, một thành phố nghĩa tình.

Tôi nhớ thời sinh viên chân ướt, chân ráo lên TP học. Ba năm đầu tiên tôi học ở làng Đại học Quốc gia, Thủ Đức. Trường tôi học nằm sâu bên trong, phải đi qua đoạn đường vắng người mới về đến nơi tôi trọ ở. Có hôm tôi phải ở lại thư viện đọc tài liệu chuẩn bị cho buổi học hôm sau, cái tính mê đọc sách, lúc bước ra khỏi thư viện liếc nhìn đồng hồ đã 21h đêm, trường chẳng còn ai mà quá giang được. Tôi đành thui thủi cuốc bộ về phòng trọ. Bỗng từ đằng sau có tiếng xe máy, một giọng nữ nói rặt tiếng Sài Gòn.

Con về đến đâu? Lên xe cô đưa về cho! Con của cô học gần đây nè!

Tôi khựng người, quay lại nửa muốn đi nửa lại sợ.

Cô nói tiếp:

Con đừng có sợ, cô là người dân ở đây, thân con gái đi một mình đường vắng nguy hiểm lắm!

Cuối cùng, tôi leo lên xe cô chở về phòng trọ. Hóa ra, người Sài Gòn hay những ai từng sinh sống ở mảnh đất này hào sảng lắm chứ đâu giống lời người ta đồn là người TP thường bon chen, phức tạp...

Khu trọ tôi ở, cũng đủ thành phần, từ sinh viên, dân lao động nghèo, dân văn phòng,... họ đều chọn TP HCM làm nơi lập nghiệp.

Dãy hàng ăn trước chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP HCM

Dãy hàng ăn trước chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP HCM

Tờ mờ sáng đã nghe tiếng xe máy giòn tan của các bác, các chú chuẩn bị ra bến xe miền Đông, bến xe miền Tây, bến xe An Sương, bến xe Chợ Lớn đón khách. Tiếng dọn hàng của các dì, các cô bán cơm tấm, cháo lòng, bánh mì,... Con hẻm dù nhỏ nhưng cũng đủ mở quán cà phê cóc vỉa hè, bày vài ba ghế nhựa nhỏ sát tường. Mấy bác già rảnh rỗi mỗi ngày đến ngồi cà phê đọc báo, bàn nhau thời sự tin trong ngày hay những chuyện nhân tình thế thái. Còn những người trẻ chúng tôi rời khỏi phòng tầm 6h30 sáng, ghé tạt ngang xe bánh mì xíu mại dì Hoa. Tầm 10 trưa, quán cơm gần nhà trọ mở bán, tôi cùng nhóm bạn đại học là khách ruột của quán. Ngày nào ăn cơm ở quán dì Tư cũng cho thêm cơm, thêm chút cá thịt mà không tính tiền. Mấy dì bảo tuổi trẻ ăn nhiều vào đặng có sức khỏe để học, đừng cực khổ như mấy dì. Về chiều, các chị đẩy con nhỏ ra ngoài đút cơm, vừa đi hết con hẻm, vừa nói chuyện với các cô trong xóm. Mấy đứa con nít trong xóm tận dụng không gian chơi trò nhảy dây, bày đồ hàng. Tình làng, nghĩa xóm càng xích lại gần nhau qua những buổi chiều như thế! Bây giờ tôi mới thấm thía câu "bán bà con xa mua láng giềng gần" là có thật trong giữa Sài Gòn náo nhiệt. Đó còn là mảnh đất giúp lớp trẻ chúng tôi trưởng thành qua từng ngày.

Tôi yêu lắm TP này, nơi tôi có thể cảm nhận được hồn quê giữa chốn thị thành xa hoa, lộng lẫy. Đó có thể là nụ cười hiền từ của cô bán xôi giò thơm phức, sự hào phóng của chị bán cà phê sữa đá, cam vắt trước cổng trường đã gắn bó ngót nghét 20 năm đủ để nuôi hai con học đại học và ông chồng mất sức lao động sau khi bị sập dàn giáo ở công trường, cảm nhận vị mát lành từ những ly trà đá vỉa hè miễn phí. Những thức quà quê của các chị hàng xóm kế bên phòng trọ hay của bà chủ nhà trọ mỗi dịp về quê "Quà quê đó, cầm mà ăn nghen! Ăn đi con, cho đỡ nhớ quê!".

Thấm thoát mà hơn 4 năm tôi rời xa TP HCM. Chưa lúc nào tôi thôi nhớ về TP này, về những con đường mình đã đi qua, về những hàng quán mình đã từng ghé, những ngôi nhà trọ thời sinh viên đến lúc đi làm. Nhớ da diết những tiếng ồn ào, vội vã của phố xá, nhớ sự thân thiện, dễ gần dễ mến của những người bán hàng rong ven đường hay những ổ bánh mì nghĩa tình, ly nước mát ấm lòng từ một nơi nào đó trên đường đi tấp nập. Một nơi bao dung, hào sảng, ôm trọn nghĩa tình. Tôi sẽ trở lại TP HCM trong cảm tình nồng ấm.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Diệp Linh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/khong-dai-nhung-du-van-vuong-20210412154541541.htm