Không cứu giúp người gặp tai nạn có thể phải ngồi tù tới 7 năm

Mới đây, đoạn clip ghi lại hình ảnh một cụ già sang đường bị xe máy đâm nằm bất động dưới lòng đường nhưng hàng chục người đi xe máy qua lại không ai dừng lại hỏi han, giúp đỡ đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Sự việc một lần nữa cho thấy sự vô cảm của không ít người trước nỗi đau, sự bất hạnh của đồng loại…

Gây tai nạn rồi bỏ mặc: Phạt tù tới 10 năm!

Sự việc trên xảy ra trên một đoạn đường làng. Khi trời đang mưa khá nặng hạt, một cụ già đang bước chậm sang đường thì bị chiếc xe máy bất ngờ lao tới đâm trúng người khiến cụ ngã vật ra đường. Người điều khiển xe máy gây ra tai nạn dù đã xuống xe, nhìn ngó một hồi nhưng không đưa người bị nạn đi cấp cứu mà vội vã rời khỏi hiện trường.

Vài phút sau vụ tai nạn, dù có hàng chục phương tiện lưu thông qua khu vực này chứng kiến cụ già nằm giữa đường nhưng vẫn lần lượt phóng qua. Chỉ đến khi có một người phụ nữ từ xa chạy tới, hô hào mọi người dừng xe đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Hình ảnh cụ ông bị tai nạn nằm trên đường cắt từ clip

Hình ảnh cụ ông bị tai nạn nằm trên đường cắt từ clip

Trước đó, một vụ tai nạn tương tự xảy ra tại ngã tư Tân Hương - Võ Công Tồn, P.Tân Quý, Q.Tân Phú (TP.HCM) cũng khiến mạng xã hội dậy sóng về sự vô cảm của con người.

Vào khoảng 3 giờ 12 ngày 25/6 tại địa chỉ trên, xe taxi Vinasun do Nguyễn Tấn Phú (48 tuổi) cầm lái đã va chạm với chiếc xe máy do anh Nguyễn Hoàng L điều khiển, phía sau xe chở chị Nguyễn Thị Mỹ T.

Sau tai nạn, chiếc xe máy lao vào góc tường của nhà dân gần đó. Cả 2 người ngồi trên xe máy đều văng khỏi xe, ngã xuống vỉa hè, nằm co giật. Lái xe taxi tuy có dừng xe, mở cửa bước xuống, đến gần anh L quan sát nhưng ngay sau đó đã lên xe bỏ chạy khỏi hiện trường, để mặc 2 nạn nhân bị thương khá nặng. Vài phút sau, anh L cố gắng gượng chồm dậy lao ra đường cầu cứu nhưng không ai tới giúp đỡ.

Điều đáng nói là, trong khoảng thời gian hơn 11 phút tại khu vực này có hàng chục ô tô, xe máy, xe đạp đi qua vị trí nạn nhân nằm, có người đã dừng lại, lấy điện thoại ra gọi, lại gần cô gái bị nạn kiểm tra hơi thở rồi quay lại nói chuyện với một số người khác nhưng tất cả chỉ đứng nhìn 2 nạn nhân nằm co giật. Ít phút sau, nhóm người này đều rời đi.

Sau khi những đoạn clip trên được đăng tải lên mạng, nhiều người dân đã bày tỏ sự bức xúc trước sự thờ ơ, vô cảm của những người đi đường khi chứng kiến sự đau đớn, nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân bị tai nạn giao thông, đồng thời đặt câu hỏi: “Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Phải chăng luật pháp còn nương nhẹ những kẻ gây tai nạn, những người cố tình không cứu giúp người gặp nạn nên mới xảy ra vụ việc đau lòng như vậy?”

Vô cảm do mất niềm tin, sợ “làm ơn, mắc oán”?

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, đối tượng gây tai nạn rồi bỏ chạy sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.

Nghị định 46/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, người điều khiển ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng. Với cùng hành vi này, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bị phạt từ 2-3 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng gây tai nạn có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

Bên cạnh đó, cá nhân hoặc tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 - 2 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 132 BLHS năm 2015 sửa đổi về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

Quy định là vậy, song thực tế vẫn có không ít người thờ ơ, bỏ mặc, không hỗ trợ nạn nhân, một phần do họ sợ bị nghi ngờ, liên lụy, “làm ơn, mắc oán”, sợ bị cơ quan chức năng tra hỏi, triệu tập, sợ bị trả thù, một phần do mất niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Ngoài ra, hiện còn khá nhiều người không có kỹ năng sơ cứu người bị nạn. Họ bối rối, lúng túng, không biết phải làm thế nào vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống… nên miễn cưỡng làm ngơ.

Cho dù với lý do nào thì việc không cứu giúp người đang gặp nguy hiểm là không thể chấp nhận được. Mỗi cá nhân cần hiểu rằng, cứu giúp người bị nạn không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân mình mà nó còn thể hiện tình người, sự quan tâm chia sẻ với đồng loại. Chưa nói đến việc tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ lúc nào nên mỗi người cần đặt mình vào hoàn cảnh của người bị nạn để khẩn trương giúp đỡ.

Thiết nghĩ, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra tiếp theo, mỗi người cần bổ sung kỹ năng sống, kỹ năng sơ cứu, xử lý các tình huống bất ngờ như khi thấy người bị nạn cần gọi cấp cứu 115, gọi cảnh sát 113 để báo sự việc.

Bên cạnh đó, người chứng kiến cũng nên dùng điện thoại chụp hoặc quay phim lại hiện trường, kêu gọi sự trợ giúp của những người xung quanh, tìm cách liên hệ để báo tin cho người thân của người bị nạn.

Đặc biệt, để người dân yên tâm, lực lượng chức năng phải bảo đảm sự an toàn cho công dân, có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ khi đến cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng trực tiếp gây ra tai nạn nhưng bỏ trốn, bỏ mặc nạn nhân lại hiện trường. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân các quy định, quy tắc khi cứu giúp người bị nạn…

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/khong-cuu-giup-nguoi-gap-tai-nan-co-the-phai-ngoi-tu-toi-7-nam/820597.antd